Người dân vùng quê sông Lục núi Huyền tăng thu nhập từ vốn vay ưu đãi
Thêm việc làm, thu nhập nhờ xưởng bóc gỗ
Quê hương có nghề trồng rừng khá phát triển nhưng người dân lại không có hướng tiêu thụ bền vững sản phẩm gỗ, giá rẻ nên cuối năm 2016, anh Trần Duy Khánh (SN 1983), thôn Đám Trì, xã Lục Sơn mạnh dạn mở xưởng bóc gỗ. Thời gian đầu, anh thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất; đầu ra lại bấp bênh nên gặp nhiều khó khăn. "Khi sản phẩm đã được đối tác chấp nhận, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, tôi muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng lại thiếu vốn. Cũng may lúc ấy, được gia đình ủng hộ, Hội Nông dân xã Lục Sơn tích cực hỗ trợ về thủ tục vay tín chấp từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm. Với số tiền vay 50 triệu lãi suất thấp, cộng thêm vốn tích lũy, năm 2019, tôi mua thêm máy bóc gỗ, thuê đất để mở rộng xưởng", anh Khánh chia sẻ.
Xưởng bóc gỗ của anh Trần Duy Khánh tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. |
Đến nay, với quy mô xưởng 1,4 nghìn m2, mỗi tháng, anh xuất xưởng 50 khối ván bóc, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương.
Từ ngày được vay vốn mở xưởng sản xuất bóc gỗ, ông chủ 8X luôn tay với công việc. Không chỉ duy trì trồng 20 ha rừng của gia đình, góp phần tích lũy vốn để đầu tư sản xuất, anh nhận đứng ra bao tiêu đầu ra các sản phẩm gỗ từ cây keo, bạch đàn cho bà con trong xã, làm nguyên liệu cho cơ sở.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết: "Nghề trồng rừng, mở xưởng bóc gỗ ở xã Lục Sơn từng bước phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế, có cuộc sống ngày càng khấm khá. Kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo năm 2022, toàn xã còn 153 hộ nghèo, chiếm 7,48%, giảm 3,6% so với năm trước".
Giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Bảo Sơn là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, hiện còn 3 thôn đặc biệt khó khăn. Để hỗ trợ bà con tìm hướng thoát nghèo, nhất là dựa vào lợi thế thổ nhưỡng để phát triển cây dứa, chính quyền xã và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã tập trung triển khai hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 3,28%, giảm 17,3% so với năm 2015. Trong số những hộ nông dân tiêu biểu vươn lên thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi phải kể đến gia đình anh Vi Văn Thanh (SN 1986), thôn Đồng Cống.
Năm 2012, anh lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng. Thời điểm đó, hơn 100 gốc vải thiều đã già cỗi mà không có vốn cải tạo, cây sắn trồng xen canh cũng chẳng mang lại giá trị đáng kể. Được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ năm 2017, đến năm 2021, anh được vay thêm một chu kỳ nên có điều kiện chuyển đổi 0,5 ha vườn, đồi của gia đình sang trồng dứa. Dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, vụ dứa năm nay, anh xuất bán 12 tấn quả, thu lãi gần 50 triệu đồng.
Đồi dứa của gia đình anh Vi Văn Thanh. |
Chú trọng thẩm định, hỗ trợ đúng đối tượng
Xưởng bóc gỗ của anh Khánh hay vườn dứa bạt ngàn của anh Thanh chỉ là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho các gia đình từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ quốc gia về việc làm do Phòng Giao dịch NHCSXH huyện quản lý.
Ông Đàm Ngọc Nga, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho hay: "Thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng CSXH, những năm qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện luôn bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương; phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay để triển khai đồng bộ giải pháp. Trong đó, chú trọng thẩm định để cho vay đúng đối tượng, tư vấn, hướng dẫn sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn ưu đãi".
Hiện tổng dư nợ cho vay từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn huyện đạt hơn 44,2 tỷ đồng; doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt gần 27,3 tỷ đồng với gần 300 khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt hơn 6,5 tỷ đồng; không có nợ quá hạn.
Quỹ quốc gia về việc làm (thành lập từ năm 1992) là khoản tài chính dự trữ của quốc gia được lập để giải quyết việc làm và hỗ trợ dịch vụ việc làm. Mức vay tối đa là 100 triệu đồng đối với người lao động, 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; thời hạn vay tối đa 120 tháng. Lãi suất cho vay tương đương lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. |
Tại nhiều xã, thị trấn trong huyện, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm đến hoạt động tín dụng CSXH. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với cán bộ ngân hàng khảo sát nhu cầu vay vốn, lập danh sách báo cáo để phân bổ.
Bà Phùng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: “Sau khi có quyết định giải ngân, chúng tôi phân công cán bộ hội, đoàn thể phụ trách theo địa bàn, tổ chức giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn. Kịp thời phối hợp, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý với các hộ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan”.
Chị Ngô Thị Thơm, thôn Ao Vè, xã Vô Tranh sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát thực tế, nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện.
Nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn chính sách cho người dân, ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết huyện tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho NHCSXH.
Cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, con giống để mô hình sản xuất của các hộ vay vốn phát triển tốt. Ngoài các biện pháp giải ngân, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, NHCSXH ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo được nhiều việc làm, người lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên, lao động thuộc diện thu hồi đất vay vốn. Qua đó góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển KT-XH trên quê hương sông Lục, núi Huyền.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên - Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)