Người dân trót chuyển tiền vào tài khoản đối tượng lừa đảo, ngân hàng xử lý ra sao?
Nhân viên Agribank Bắc Giang ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo, giúp khách hàng giữ lại được tiền. |
Theo đại diện Techcombank, khi ngân hàng nhận được phản ánh về hành vi lừa đảo sẽ ngay lập tức thực hiện theo quy trình để ứng phó với vấn đề này và phối hợp với các đơn vị trong và liên ngân hàng cũng như các tổ chức, cơ quan nhà nước như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS), Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) để bảo vệ tối đa cho khách hàng.
“Các tài khoản khi đã được xác nhận có hành vi lừa đảo thì ngân hàng có thể tạm thời phong toả (khóa/dừng hoạt động của tài khoản) cho đến khi có quyết định của cơ quan chức năng”, theo đại diện Techcombank.
Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cho phép các ngân hàng trong trường hợp phát hiện ra thông tin của tài khoản nhận tiền có vấn đề sẽ được phép tạm khoá tài khoản và yêu cầu chủ tài khoản đến ngân hàng. Các ngân hàng đang hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho các chi nhánh.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cơ quan này tiếp nhận nhiều văn bản của công an các tỉnh, thành phố điều tra về các vụ án có liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng. Điều này cho thấy, thực trạng ý thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Họ nghĩ rằng việc cho thuê, cho mượn tài khoản sẽ không có vấn đề gì.
Trên thực tế việc cho mượn, cho thuê tài khoản dẫn đến hình thức lừa đảo. Người cho thuê, cho mượn tài khoản không mất tiền. Tuy nhiên nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người cho thuê/mượn tài khoản có thể bị xử lý hành chính với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần số tiền có được từ việc cho thuê/cho mượn tài khoản.
Thậm chí, nếu các đối tượng dùng tài khoản đó để đi vay tiền từ các ổ nhóm tín dụng đen, có thể người phải gánh nợ chính là những người đứng tên tài khoản.
Có thể hiểu những tài khoản được thuê, mua, hoặc mượn cũng giống như sim rác trong điện thoại. Tuy nhiên, trong cách gọi của các ngân hàng, những tài khoản này được gọi là đúng tài khoản hay không đúng tài khoản.
Một lãnh đạo Agribank khẳng định, nếu đã không đúng tài khoản sẽ khoá tài khoản, đồng thời sẽ báo cho cơ quan công an nếu có người bị hại đến trình báo. Việc người dân cho thuê/bán lại tài khoản ngân hàng cho các đối tượng đi lừa đảo sẽ dẫn đến rủi ro vi phạm về mặt pháp lý cho chính bản thân người cho thuê/bán lại đó.
Còn theo đại diện Techcombank, ngân hàng luôn rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu công dân của Bộ Công an trong việc cung cấp thông tin để điều tra, xác định và xử lý các tài khoản này.
Ngân hàng luôn tuân thủ cao nhất các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quy trình tạo mới tài khoản, xác thực tính định danh của tài khoản, cũng như luôn giám sát các hành vi bất thường đối với các tài khoản thuộc diện nghi ngờ cao trên hệ thống theo đúng quy định của pháp luật.
Thường những người bị lừa là những khách hàng chuyển tiền trực tuyến, trong khi nếu giao dịch tại quầy có thể sẽ được nhân viên ngân hàng phát hiện kịp thời, nhất là với những khách hàng bỗng dưng rút tiền tiết kiệm để chuyển tiền cho ai đó.
Được biết, năm 2022, Agribank đã hỗ trợ khách hàng, giúp ngăn chặn gần 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với hơn 8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo đã tăng gấp đôi với gần 100 khách hàng, số tiền “suýt” bị chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy, các vụ lừa đảo đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dù các ngân hàng đã liên tục cảnh báo, khuyến cáo nhưng nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.
Ý kiến bạn đọc (0)