Người dân tập trung tái đàn, gia cầm giống tăng giá
Theo anh Nguyễn Tiến Mạnh, chủ cơ sở chuyên ấp nở, cung cấp gà giống tại bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (Yên Thế), như thường lệ, sau khi xuất bán các lứa gà thương phẩm dịp trước Tết, tháng Giêng người chăn nuôi sẽ tập trung tái đàn. Nhu cầu về con giống tăng mạnh.
Cán bộ thú y cơ sở tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gà tại xã Xuân Lương (Yên Thế). |
Cũng theo anh Mạnh, từ sau Tết đến nay, gia đình anh đã xuất bán được hơn 2 vạn con gà giống, chủ yếu là gà lai Hồ với giá từ 9 đến 11 nghìn đồng/con. Hiện nay có nhiều đơn hàng đặt mua gà giống song phải chờ đến lứa anh mới có thể tiếp tục cung cấp ra thị trường.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay giá gà giống lông màu 1 ngày tuổi ở mức 10 nghìn đồng/con, tăng 42,86% so với cùng kỳ năm trước; vịt giống 10 - 18 nghìn đồng/con, tăng 80,65%...
Thời điểm này, đàn gia cầm toàn tỉnh đạt 20,5 triệu con (trong đó đàn gà 17,5 triệu con). Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Hiện tại, thời tiết nắng mưa đan xen, kết hợp với các đợt không khí lạnh làm gia cầm, đặc biệt là gia cầm non không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp sau:
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi
Thường xuyên quét dọn chuồng trại, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh không để nước đọng ở khu vực chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng 1 - 2 lần/tuần toàn bộ diện tích chuồng nuôi và khu xung quanh để hạn chế mầm bệnh.
Cơ sở sản xuất gà giống của gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh ở xã Tam Tiến (Yên Thế). |
Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi, định kỳ xử lý bằng hóa chất hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Kiểm tra kho chứa thức ăn, bảo đảm thức ăn không bị ẩm mốc. Che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa. Đối với gia cầm non phải nuôi trong các chuồng úm được thắp điện sưởi ấm, ít nhất 2 - 4 tuần. Thường xuyên bổ sung hoặc thay mới chất độn chuồng để giữ ấm.
Phòng bệnh cho gia cầm
Thực hiện nghiêm lịch dùng vắc-xin theo quy định. Đối với gà, dùng vắc-xin phòng bệnh Gumboro, Newcastle, cúm gia cầm, đậu, viêm thanh khí quản truyền nhiễm. Đối với vịt, ngan dùng vắc-xin phòng bệnh viêm gan, dịch tả, cúm gia cầm,...
Sử dụng kháng sinh hoặc các loại thảo mộc có thành phần kháng sinh như: Tỏi, gừng, nghệ… hòa vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như: Tụ huyết trùng, hen, tiêu chảy…
Chỉ tái đàn khi bảo đảm các điều kiện cần thiết như chuồng nuôi, thức ăn, nước uống, môi trường chăn nuôi đã được vệ sinh khử trùng tiêu độc và tại địa phương không xuất hiện các dịch bệnh trên đàn gia cầm. Cần nuôi cách ly gia cầm mới mua tối thiểu 2 tuần mới được nhập đàn cũ.
Bảo đảm chế độ chăm sóc
Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, bảo đảm chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm. Đối với gia cầm non (giai đoạn úm) tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh bảo đảm đủ dinh dưỡng. Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa... cho gia cầm nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Những ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh cần cho gia cầm uống nước ấm, tăng nhiệt độ chuồng nuôi, bổ sung chất độn chuồng, thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm giai đoạn nhỏ.
Hằng ngày kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn gia cầm để phát hiện sớm những con có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè,…) để tách riêng theo dõi, điều trị.
Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)