Người có uy tín nêu gương vì cộng đồng
BẮC GIANG - Với vai trò, trách nhiệm của mình, các thành viên là người có uy tín trong Tổ dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tích cực tuyên truyền, nêu gương trên mọi lĩnh vực, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ở mỗi thôn, bản.
Những hạt nhân nòng cốt
Có dịp về xã Trường Sơn (Lục Nam), chúng tôi được lãnh đạo xã giới thiệu về bà Tăng Thị Nguyệt, dân tộc Tày ở thôn Cầu Gỗ, một người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Trong căn nhà treo rất nhiều giấy khen ghi nhận những đóng góp của bà trong vận động nhân dân giữ gìn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, bà Nguyệt chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm thực hiện công tác dân vận trên địa bàn.
Bà Tăng Thị Nguyệt (thứ 3 từ phải sang) ở thôn Cầu Gỗ, xã Trường Sơn (Lục Nam) tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới cho người dân. |
Thôn Cầu Gỗ có địa hình chủ yếu là vườn đồi, với vai trò là thành viên Tổ dân vận nòng cốt, bà Nguyệt cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện thôn có 30 ha cây ăn quả có múi, 18 ha vải thiều. Người dân trong thôn còn nhận chăm sóc 10 ha rừng và nhiều cây phân tán. Trước đây, đời sống khó khăn, một số tập tục lạc hậu tồn tại đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh tế của bà con.
Để xây dựng nếp sống văn minh, bà Nguyệt cùng đại diện các đoàn thể chính trị thôn đã kiên trì vận động các hộ từng bước thay đổi tư duy, nhận thức. Mỗi khi trong thôn có người qua đời, bà đều có mặt như người thân, họ hàng giúp thu xếp, lo hậu sự. Tranh thủ bà phân tích những tác hại của việc tổ chức đám tang dài ngày. Người dân trong thôn từ đó nghe và làm theo gợi ý của bà. Giờ đây, việc tang trong thôn tổ chức đơn giản, không quá 2 ngày và không làm nhiều cỗ mời khách.
Còn tại bản Tam Kha, xã Xuân Lương (Yên Thế), nhắc đến ông Nông Minh Hiên, dân tộc Tày, bà con nơi đây ai cũng tin tưởng, quý mến. Ông là người tiên phong hiến 460 m2 đất của gia đình để làm nhà văn hóa. Tinh thần nêu gương của ông đã tạo thuận lợi để các tổ chức hội, đoàn thể ở bản tuyên truyền, vận động bà con hiến đất. Kết quả, 10 hộ dân đã hiến gần 1,5 nghìn m2 đất tạo thuận lợi để thôn có thêm diện tích đất xây nhà văn hóa. Tương tự, ông Đàm Xuân Tình, người có uy tín thôn Đồng Bây, xã An Lạc (Sơn Động) cũng không quản thời gian sớm tối cùng Chi ủy, lãnh đạo thôn vận động 18 hộ trong thôn hiến 6.400 m2, trong đó gia đình ông nêu gương hiến 280 m2 để mở rộng đường trục chính và bê tông hóa lề đường nội thôn.
Có thể thấy, những việc làm tích cực của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở các địa phương đã đem lại sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm ở mỗi thôn, bản. Họ cũng khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt trong vận động người dân nơi cư trú chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thêm kênh thông tin lắng nghe tiếng nói từ cơ sở
Tỉnh Bắc Giang hiện có 522 người có uy tín vùng DTTS và miền núi. Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này, năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thành lập Tổ dân vận nòng cốt vùng đồng bào DTTS. Tổ gồm 81 thành viên, trong đó có 74 thành viên được lựa chọn trong số những người có uy tín, cốt cán của 73 xã ở khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Đây đều là những người tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự; có uy tín trong dòng họ, dân tộc, cộng đồng dân cư.
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, sau hơn 2 năm triển khai, Tổ dân vận nòng cốt vùng đồng bào DTTS đã phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín; giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương có thêm kênh thông tin lắng nghe tiếng nói từ cơ sở trực tiếp hơn. Các thành viên trong tổ dân vận nòng cốt đều phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác dân vận, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là các vấn đề phát sinh có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. |
Với vai trò và trách nhiệm của mình, các thành viên trong Tổ đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền cơ sở cùng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Họ cũng là hạt nhân trong tuyên truyền, vận động bà con phát huy, giữ gìn bản sắc dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bản thân nêu gương trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu như ông Vi Văn Vấn, dân tộc Nùng ở thôn Gốc Sau, xã Giáo Liêm (Sơn Động) phát triển kinh tế tổng hợp. Trên diện tích gần 1,5 ha, ông trồng keo lai và chăn nuôi gia súc, tổng thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng. Ông Triệu Tiến Khải, dân tộc Dao ở thôn Đồng Mơ, xã Tam Hiệp (Yên Thế) nuôi gà thả vườn thường xuyên duy trì 2.000 con/lứa.
Ngoài ra, trên cơ sở tự nguyện, các thành viên là người có uy tín trong Tổ còn chủ động tuyên truyền, giám sát và phản ánh những vấn đề liên quan đến cuộc sống dân sinh hằng ngày tại nơi cư trú thông qua nhóm zalo. Mới đây, từ phản ánh của ông Vi Văn Thượng, ở thôn Trại Trầm, xã Tam Dị (Lục Nam) về tình trạng thiếu nước tại đập Trại Trầm, đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy và huyện Lục Nam đã bố trí thời gian về tận nơi ghi nhận thực tế để sớm giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất của người dân.
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, hơn 2 năm triển khai, Tổ dân vận nòng cốt vùng đồng bào DTTS đã phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín; giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương có thêm kênh thông tin lắng nghe tiếng nói từ cơ sở trực tiếp hơn. Các thành viên trong Tổ dân vận nòng cốt đều phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác dân vận, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là các vấn đề phát sinh có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)