Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Khoa: Giữ lửa chiếu chèo Hoàng Mai
15 tuổi nhập vai Thị Mầu
Nghe danh nghệ nhân Đỗ Thị Khoa ở làng chèo Hoàng Mai đã lâu nhưng gần đây tôi mới có dịp gặp gỡ. Đi theo con đường nhỏ, tôi đến thăm ngôi nhà ấm cúng của gia đình bà.
![]() |
Bà Đỗ Thị Khoa (đứng đầu, bên trái) luyện tập với các thành viên CLB Chèo Hoàng Mai. |
Nghệ thuật chèo xuất hiện ở Hoàng Mai khoảng trăm năm nay, khi vợ chồng cụ Kép Viễn từ nơi khác về lập nghiệp ở nơi này rồi truyền dạy hát chèo cho người dân. Trải qua bao năm tháng, tiếng hát chèo vẫn cất lên giữa sân đình cổ kính, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người làng Hoàng Mai.
Bà Đỗ Thị Khoa khi mới 8 tuổi đã bắt đầu học hát chèo cùng nhiều chị em khác. Buổi sáng học chữ, chiều về cấy lúa, bắt ốc giúp cha mẹ, tối đến là bà đi xem người ta hát chèo rồi say mê từ khi nào chẳng hay. Đứng dưới sân khấu, bà ao ước một ngày được hóa thân vào những vai diễn chèo. Có khi vừa làm việc đồng áng hay nấu cơm, bà vừa cất giọng hát.
Mỗi khi rảnh rỗi, bà say sưa tự luyện tập. Kiên trì và bền bỉ, bà đã được đứng trên sân khấu chèo từ khi còn rất trẻ. Năm 1957, lúc mới 15 tuổi, bà Khoa sắm vai Thị Mầu trong vở Quan Âm Thị Kính. Vai diễn đó là bước đi đầu tiên đưa bà đến với nghệ thuật chèo. Biểu diễn trước hàng trăm khán giả ở đình làng, bà lâng lâng hạnh phúc khi được mọi người đón nhận.
Sau đó, bà Đỗ Thị Khoa có hàng trăm lần hoá thân vào vai Thị Mầu ở nhiều sân khấu lớn nhỏ. Nhắc lại về vai diễn ấy, bà không khỏi xúc động. “Tôi phải mất hơn 2 tháng học riêng với vợ chồng cụ Kép Viễn mới diễn được tròn vai. Tôi nhớ nhất cảnh Thị Mầu cầm chiếc tăm rồi liếc với ngụ ý đong đưa chú Tiểu. Nhìn tưởng dễ mà thực hiện lại khó vô cùng. Chỉ riêng cảnh đó tôi tập ròng rã nửa tháng mới ra "chất" Thị Mầu”.
Thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Mầu, bà Khoa nhận được nhiều lời mời của các đơn vị như Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn chèo Hà Bắc… Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình, bà không đi theo các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mà ở lại quê nhà. Trải qua năm tháng, bà vẫn gắn bó với chèo.
Hát chèo phục vụ kháng chiến
22 tuổi lập gia đình, bà theo học ngành y rồi công tác tại Trạm Y tế xã từ đó đến khi nghỉ hưu. Thời chiến tranh ác liệt, người dân quanh vùng góp công sức đào hào, đắp đê, bà Khoa xung phong cùng tham gia lấy "tiếng hát át tiếng bom", động viên bà con lao động. Năm 1962, có lần bà cùng đoàn dân công đi đò qua sông Cầu sang huyện Gia Lương (nay thuộc Bắc Ninh).
![]() |
Bà Đỗ Thị Khoa. |
Nhờ gia đình hết lòng ủng hộ mà bà Khoa có động lực theo đuổi nghệ thuật chèo đến bây giờ. Trước đây, cứ diễn ở đâu là bố chồng bà lại đánh xe bò đến đó chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc trang trí sân khấu. Gánh chèo diễn từ Khuôn Thần (Lục Ngạn), qua nhiều điểm rồi quay về Thổ Hà (Việt Yên)... Các vở chèo đội văn nghệ của bà đã từng biểu diễn như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ hay Ba anh em họ Điền, Chuyện gốc cây dừa, Tiếng chuông cảnh tỉnh... đến nay vẫn được nhiều khán giả yêu mến.
Sang thời bình, trải qua nhiều thăng trầm, những đêm hát chèo không còn rộn rã như xưa. Nhưng những người yêu chèo ở Hoàng Mai thì vẫn một lòng gìn giữ môn nghệ thuật này. Mới đây, khi về Hoàng Mai, tôi được xem bà Khoa hướng dẫn những hạt nhân văn nghệ trong CLB Chèo Hoàng Mai luyện tập.
Vừa theo dõi từng hành động, lời hát của bà, mọi người vừa học cách đưa tay, xòe quạt và lấy hơi. Ai cũng say sưa và tâm huyết. Nói về bà Đỗ Thị Khoa, NSƯT Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang chia sẻ: “Bà Khoa là một trong nhiều hạt nhân văn nghệ ở cơ sở tích cực bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống, góp sức gìn giữ tiếng tăm của chèo chiếng Bắc”.
Hạnh phúc vì gia đình luôn ủng hộ
Hát chèo rất khó, yêu cầu người hát phải có chất giọng mượt mà cùng hơi dài, thêm nữa phải có tài năng diễn xuất, biểu cảm. Chèo có hơn 300 làn điệu từ dễ đến khó, bà Khoa vẫn tự sưu tầm, hướng dẫn các thành viên CLB một số làn điệu như: Đào liễu, làn thảm, ru kệ, lới lơ, hát cách cú, nhịp đuổi, đường trường thu không. Không chỉ theo đuổi nghệ thuật chèo, khi gần 70 tuổi, bà Đỗ Thị Khoa không ngại học hỏi cái mới và thành thạo nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: Ca trù, hát văn, hát xẩm, quan họ, ngâm thơ.
Bà Khoa nguyên là Đội trưởng Đội Văn nghệ thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh. Bà từng được nhận hàng chục giải A tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật trong huyện, ngoài tỉnh và toàn quốc. Ví như: Giải A tại Hội diễn các làng Chèo truyền thống tỉnh Bắc Giang năm 2007, Huy chương Vàng tại Liên hoan Diễn xướng dân gian chèo sân đình khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2016. Với những cống hiến ấy, năm 2017, bà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đầu năm 2019, bà Đỗ Thị Khoa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. |
Ở tuổi gần 80, bà Khoa vẫn giữ được chất giọng khỏe, trong trẻo, đôi mắt tinh anh và cơ thể dẻo dai. Bà nói: “Vì tôi có ông ấy cùng các con, cháu luôn ở bên động viên ủng hộ nên mới giữ được tinh thần thoải mái, vui tươi. Con cháu thành đạt, ngoan ngoãn nên tôi cũng yên tâm mà hát chèo”.
Chồng bà, ông Nguyễn Văn Phao cũng yêu thích văn hóa văn nghệ. Mỗi khi bà Khoa tập luyện, ông không nề hà việc đưa đón; vợ diễn chèo ở đâu ông đều đến cổ vũ.
Bao năm qua, bà Khoa nhớ nằm lòng, tự tin thể hiện ở những sân khấu lớn các bài hát chèo về thôn Hoàng Mai, về huyện Việt Yên. Đó cũng là cách bà giới thiệu về quê hương mình với công chúng.
Đến nay, công nghệ phát triển, nghệ thuật truyền thống nói chung, hát chèo nói riêng đứng trước nguy cơ mai một, bà Khoa vẫn đau đáu lo tìm lớp kế cận. Chính vì nỗi trăn trở đó mà năm nào Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Khoa cũng đứng lớp truyền dạy cho 20 đến 30 hạt nhân văn nghệ. Ở đó bà có cơ hội truyền lửa đam mê nghệ thuật truyền thống cho thế hệ sau. Bà tự nguyện làm việc ấy, chỉ với mong muốn gìn giữ mãi mãi những làn điệu chèo.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)