Nghệ nhân gìn giữ làn điệu dân ca
Nghệ nhân ưu tú Đàm Quang Lộc (bên trái) giới thiệu về sách dân ca Cao Lan. |
Dù sức không còn khỏe nhưng nghệ nhân già vẫn say sưa khi nói về dân ca: “Ngay từ khi còn nhỏ, những làn điệu quen thuộc của dân ca Cao Lan đã ngấm vào tâm hồn tôi. Đến năm 10 tuổi, tôi đi theo các anh, các chị trong thôn bản nghe hát và học nhẩm theo. Về nhà, tôi được bố, mẹ, các anh, chị truyền dạy lại cách hát, kỹ thuật hát và chủ yếu là những bài ca ngợi đất nước quê hương, ca ngợi cảnh đẹp của làng bản, hát đền ơn cha mẹ, hát đố… Đến năm 16 tuổi, tôi mới được các anh, chị truyền dạy cho cách hát để làm quen, hát đối đáp giao duyên gọi là “sình ca”. Cái khó của hát dân ca Cao Lan là ngoài những bài hát có nội dung định trước còn phải biết ứng tác thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Người hát cần dựa vào vốn dân ca có sẵn và tùy hứng hát đối đáp lại cho thêm phần sinh động. Tôi ghi nhớ nhiều bài hát, ứng đối nhanh và luôn ghi chép lại nhiều sách hát của dân tộc mình”.
Kỷ niệm chương của Nghệ nhân Ưu tú Đàm Quang Lộc. |
Sau thời gian nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp, đất nước hoà bình, ông Lộc trở về xây dựng quê hương và làm cán bộ văn hóa tại xã Nghĩa Phương ( Lục Nam) nhiều năm. Cũng từ môi trường công tác này, ông hiểu thêm giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình nên càng nhiệt tâm, miệt mài tìm tòi, sưu tầm những làn điệu dân ca để giữ gìn và bảo vệ.
Ông Đàm Quang Lộc nhiều lần tham gia cuộc thi hát dân ca cấp huyện, tỉnh và đều giành giải cao. Ông cùng những người cao tuổi trong thôn thành lập đội hát dân ca Cao Lan của bản Cống Luộc nhằm truyền dạy, giữ gìn cho thế hệ trẻ. Nhờ biết đọc và viết được chữ Hán nên ông đã dịch nhiều bài hát cổ ra tiếng Cao Lan và còn sáng tác thêm những làn điệu hát khác trên nền tảng những câu hát cũ. |
Với vốn dân ca phong phú cộng chất giọng trầm ấm có hồn, nhiều năm ông được Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lục Ngạn chọn đi thi hát dân ca cấp tỉnh và đều giành giải cao. Người nghệ nhân già luôn trăn trở về việc bảo tồn và phát huy vốn di sản của dân tộc mình. Vì thế, ông cùng những người cao tuổi trong thôn thành lập đội hát dân ca Cao Lan của bản Cống Luộc nhằm truyền dạy, giữ gìn cho thế hệ trẻ. Được sự hỗ trợ của ngành văn hoá, năm 2015, lớp học hát dân ca Cao Lan được mở tại Đèo Gia với hơn 20 học viên là người địa phương. Hiện nay, ông cùng những người có trách nhiệm địa phương tích cực hoàn thiện và ra mắt Câu lạc bộ Hát dân ca dân tộc Cao Lan ở Đèo Gia.
Nhờ biết đọc và viết được chữ Hán nên ông Lộc đã dịch nhiều bài hát cổ ra tiếng Cao Lan cho các thành viên trong đội hát theo, ngoài ra ông còn sáng tác thêm những làn điệu hát khác trên nền tảng những câu hát cũ. Được sự truyền dạy nhiệt tình của nghệ nhân già này, không ít bạn trẻ đã đạt được những giải thưởng cao trong các cuộc thi hát dân ca cấp huyện, cấp tỉnh. Tiêu biểu như Ninh Thị Tịnh, đạt giải Nhì cuộc thi hát dân ca các dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn lần thứ nhất; Giải Ba cuộc thi hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang năm 2000.
Điều đặc biệt, nghệ nhân này có khả năng sáng tác rất nhanh và đúng luật điệu của nghệ thuật hát dân ca Cao Lan như những bài hát ngợi ca đất nước, Đảng, Bác Hồ… Hơn thế, ông Lộc hiện còn lưu giữ và thuộc rất nhiều thể loại như: Sình ca Thsăn lèn (hát năm mới), sình ca Thsao bạo (hát đối đáp, hát giao duyên), Sình ca Ý (hát ghẹo, hát chơi), sình ca Tò tàn (hát đố) cùng các bài hát phụng thần nông, phụng thổ công... Năm 2015, ông Đàm Quang Lộc vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)