Ngăn chặn gian lận tại các hợp tác xã cung ứng điện
Nhập nhèm mua, bán, kê khai thuế
Cuối tháng 6/2023, 17 hộ dân ở xã Lãng Sơn thấy phiếu thu tiền điện của gia đình cao bất thường. Nghi ngờ có sai sót trong việc tính giá và lượng điện tiêu thụ, các hộ đã kiểm tra trên hệ thống Tra cứu hóa đơn điện tử (HĐĐT) của ngành thuế và phát hiện thấy số tiền ghi trên phiếu thu của HTX cao hơn nhiều so với HĐĐT. Hộ ông Tạ Quang Hồng, thôn Đông Thượng trong tháng 6/2023, số tiền ghi trên phiếu thu cao hơn 600 nghìn đồng so với HĐĐT mà HTX Lãng Sơn kê khai nộp thuế.
Ông Nguyễn Hữu Quang, thôn Đông Phú với 2 tờ phiếu thu tiền điện (tháng 5 và tháng 6/2021). |
Vì bức xúc nên 11 hộ dân đã đến trụ sở UBND xã Lãng Sơn đề nghị làm rõ. Một số người đã chụp ảnh HĐĐT và phiếu thu tiền điện có chênh lệch đưa lên mạng xã hội. Khi tiếp cận những thông tin này, không ít hộ dân ở xã Xuân Phú đang hợp đồng mua điện của HTX Đông Tiến cũng tự kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp sai lệch tương tự các hộ ở xã Lãng Sơn.
Số tiền điện ghi trên HĐĐT của gia đình ông Nguyễn Văn Hà, thôn Đông Phú tháng 6 vừa qua giảm 235 nghìn đồng so với số tiền ông đóng cho HTX. Hay hộ ông Nguyễn Hữu Quang (cùng thôn Đông Phú), trong các tháng 3, 4, 5/2023, số tiền điện trên HĐĐT của gia đình ông đều giảm so với số tiền thực tế đóng cho HTX Đông Tiến từ 100-200 nghìn đồng/tháng.
Ông Quang thông tin thêm, việc đọc, chốt số công tơ tính tiền điện của HTX Đông Tiến cũng có nhiều điểm bất thường. Để chứng minh, ông Quang đưa tập phiếu thu tiền điện còn lưu trữ từ nhiều năm trước ra đối chiếu. Tháng 5/2021, trong phiếu thu ghi gia đình ông tiêu thụ 326 kWh, nhưng tháng 6/2021 tăng lên 651 kWh. Gần đây, tháng 3/2023, phiếu thu ghi 153 kWh nhưng tháng 6/2023 lại là 455 kWh, cao gấp gần 3 lần. Trong khi đó, gia đình ông không có thêm thiết bị tiêu thụ điện bất thường nào.
Ông Quang cho rằng, HTX ghi chỉ số điện sớm hơn hoặc lệch ngày giữa các tháng, khiến một phần tiền điện tháng trước (lẽ ra ở bậc thang tính giá thấp) sẽ bị tính vào tháng sau (ở bậc thang tính giá cao hơn) để trục lợi. “Tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn mong muốn được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Bắc Giang (PCBG), không mua qua HTX Đông Tiến để việc thanh toán được minh bạch”, ông Quang bày tỏ.
Lỗi do thao tác ... “nhầm (?)”
Ngay khi phát hiện sự việc liên quan đến mua, bán điện của HTX Lãng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện phối hợp với UBND xã Lãng Sơn xác minh vụ việc. Ông Nguyễn Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết, ngày 26/6/2023, ông đã ký Quyết định đã thành lập Tổ công tác xác minh ý kiến phản ánh của nhân dân xã Lãng Sơn về hóa đơn tiền điện. Ngày 27/6, UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện, Điện lực TP Bắc Giang làm việc cụ thể với 11 hộ đến UBND xã Lãng Sơn kiến nghị.
Hệ thống lưới điện ở thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng). |
Kết quả, 9 hộ có sự sai lệch số tiền giữa HĐĐT và phiếu thu do HTX phát hành (1 hộ không có chênh lệch, 1 hộ không đăng nhập được hệ thống tra cứu thông tin HĐĐT). Nguyên nhân giá điện trên HĐĐT thấp là do HTX Lãng Sơn đã điều chỉnh một phần số điện sinh hoạt của hộ dân thành số điện sản xuất (điện sản xuất có giá bán thấp hơn điện sinh hoạt).
Khi được hỏi về nguyên nhân sai sót, ông Tạ Văn Hồng, Giám đốc HTX Lãng Sơn và ông Phí Quang Tần, Giám đốc HTX Đông Tiến đều cho rằng đã bị “nhầm lẫn(?)”trong quá trình kê khai HĐĐT khi xác định biểu tính tỷ lệ % giữa điện sinh hoạt và điện sản xuất của các hộ. Hiện tại, cả 2 HTX này đã báo hủy hóa đơn và kê khai lại theo quy định (tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ).
Tuy nhiên, điều vô lý là tất cả các trường hợp “nhầm lẫn” nêu trên đều có điểm chung là số tiền kê khai trên HĐĐT đều thấp hơn so với số tiền điện thu của người dân. Sự “nhầm lẫn” diễn ra trong nhiều tháng, ngoài trường hợp của hộ ông Quang còn có trường hợp của hộ ông Bùi Văn Long, thôn Đông Thượng. 6 tháng đầu năm nay có tới 4 tháng (2,3,4 và 6) HTX Lãng Sơn kê khai “nhầm”, tổng số tiền chênh lệch hơn 1,4 triệu đồng.
Đối với nghi vấn HTX Đông Tiến cố tình “chốt” số công tơ điện không chính xác, ông Phí Quang Tần khẳng định: “Chúng tôi ghi đúng chỉ số trên đồng hồ công tơ điện, định kỳ theo tháng và nhắn tin đến số điện thoại của từng hộ nên không thể có sai sót”.
Qua trao đổi, ông Bạch Hồng Quân, Phó Giám đốc PCBG cho biết, việc các HTX kê khai HĐĐT không ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua điện vì tổng lượng điện các hộ tiêu thụ là đúng. Việc kê khai lượng điện sản xuất, điện sinh hoạt trên HĐĐT của các HTX thiếu trung thực là hành vi trốn thuế và gây thất thu cho ngành điện. Bởi HTX Lãng Sơn và Đông Tiến đang mua điện của PCBG để bán lại cho người dân, theo quy định, PCBG căn cứ vào HĐĐT của các HTX để thu tiền điện mà các HTX này mua.
Chấn chỉnh hoạt động kê khai tài chính
Nhằm làm sáng tỏ vụ việc, ngày 5/7, huyện Yên Dũng thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất, xác minh nội dung phản ánh của nhân dân xã Lãng Sơn về việc có sự chênh lệch giá tiền điện giữa phiếu thu tiền điện và HĐĐT của HTX Lãng Sơn. Thời gian kiểm tra 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
Trước các sự việc nêu trên, ông Trần Ngọc Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực Bắc Giang - Yên Dũng thông tin, để xác định một chủ thể vi phạm có gian lận trong việc mua, bán điện, kê khai thuế hay không phải chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng. Ngoài ra, căn cứ vào những ứng dụng quản lý rủi ro của ngành Thuế, nếu phát hiện rủi ro thì đơn vị thuế sẽ đưa vào kế hoạch kiểm tra.
Hiện Chi cục Thuế Bắc Giang - Yên Dũng đang quản lý hơn 3 nghìn doanh nghiệp (DN) và hàng trăm HTX, hộ cá thể. Tuy nhiên, mỗi năm, đơn vị chỉ xây dựng và được phê duyệt kế hoạch kiểm tra 170 DN, HTX. Những đơn vị không có trong kế hoạch thì đơn vị không được phép kiểm tra (trừ khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân hay tổ chức về các sai phạm của chủ thể nộp thuế thì Chi cục mới ra quyết định kiểm tra).
Theo quy định, trong niên độ kế toán (tính từ đầu ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch) hoặc trước khi cơ quan thuế vào kiểm tra, các chủ thể nộp thuế có quyền kê khai HĐĐT bổ sung để điều chỉnh sai sót. Chỉ khi cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra thì chủ thể kê khai thuế mới không được phép sửa đổi. Đây là “lỗ hổng” trong kê khai HĐĐT để các chủ thể (cụ thể trong bài viết này là HTX Lãng Sơn và Đông Tiến) lợi dụng.
Bởi sau khi người dân phát hiện có sai phạm thì các HTX nêu trên đã tự báo hủy và xin kê khai lại HĐĐT, trước khi có đoàn kiểm tra đến làm việc. Như vậy, nếu cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện thì các HTX nêu trên chiếm dụng tiền thuế và tiền chênh lệch giá bán điện.
Toàn tỉnh hiện có hơn 800 HTX đang hoạt động. Trong đó, 18 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung ứng điện, với hàng chục nghìn khách hàng. Do đó, nếu xảy ra gian lận trong việc mua, bán, kê khai thuế tiêu thụ điện sẽ gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước không hề nhỏ.
Trước những sai sót của các HTX nêu trên, vừa qua, Sở Công Thương đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND huyện Yên Dũng kiểm tra. Để chấn chỉnh các HTX hoạt động kinh doanh dịch vụ điện năng, đại diện Sở Công Thương cho rằng, các HTX cần công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán điện và kê khai HĐĐT. Đồng thời kiện toàn lại nhân sự, nhất là vị trí và trình độ của cán bộ kế toán.
Bên cạnh đó, các hộ dân cần kịp thời đối chiếu khi HTX chốt và thông báo chỉ số công tơ điện hằng tháng; thường xuyên tra cứu HĐĐT, tránh xảy ra sai sót. Đặc biệt, ngành Thuế cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các HTX trong việc kê khai HĐĐT, kịp thời ngăn chặn gian lận trong mua, bán điện và tính thuế.
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)