Nâng tầm thương hiệu gà đồi Yên Thế
BẮC GIANG - Chuẩn bị lễ hội xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm đặc trưng huyện Yên Thế lần thứ nhất, thời điểm này, các đơn vị trong huyện đang triển khai tích cực các phần việc.
Nhiều nét mới
Lễ hội xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm đặc trưng huyện Yên Thế năm 2024 được tổ chức trong hai ngày 26 và 27/10 tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức lễ hội riêng về gà đồi và các sản phẩm đặc trưng của huyện. So với các hội nghị đã tổ chức trước đây, tại lễ hội lần này, cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lần đầu tiên UBND huyện tổ chức thi đôi gà đẹp, thi chế biến ẩm thực từ gà đồi, thi gian hàng trưng bày các sản phẩm nông lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, hội thảo chuyên đề về gà đồi Yên Thế nằm trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Cán bộ UBND xã Hồng Kỳ kiểm tra, lựa chọn gà tham gia thi đôi gà đẹp. |
Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: “Nếu như những năm trước, hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của huyện được tổ chức trong hội trường song lễ hội năm nay diễn ra ngoài trời với không gian mở để du khách, người dân cùng tham gia. Tại đây, du khách sẽ được tham quan, thưởng thức các món ăn chế biến từ gà nói riêng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện nói chung”.
Lễ hội xúc tiến tiêu thụ gà đồi và các sản phẩm đặc trưng huyện Yên Thế năm 2024 được tổ chức trong hai ngày 26 và 27/10 tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, UBND huyện tổ chức thi đôi gà đẹp, thi chế biến ẩm thực từ gà đồi, thi gian hàng trưng bày các sản phẩm nông, lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. |
Tìm hiểu tại xã Đồng Tâm - địa phương có tổng đàn gà cao nhất huyện (luôn duy trì khoảng 150 nghìn con) cho thấy, để chuẩn bị lễ hội, UBND xã, các ngành, đoàn thể sớm vào cuộc, triển khai phần việc liên quan. Đến nay, xã đã xác định những sản phẩm chủ lực đưa đi trưng bày, quảng bá tại lễ hội gồm: Thịt gà tươi hút chân không, xúc xích gà, chả gà, giò gà, vải thiều sấy khô, tinh bột nghệ... Để có đôi gà đẹp tham gia hội thi, 4 tháng trước, UBND xã giao cán bộ chuyên môn lựa chọn 10 con gà 4 tháng tuổi (3 trống, 7 mái) giao cho một hộ có kinh nghiệm nuôi gà trong xã chăm sóc.
Tương tự, cùng với lựa chọn những đôi gà đẹp nhất tham gia vòng sơ loại cấp xã, UBND xã Hồng Kỳ thành lập các đội tham gia từng nội dung thi, giao các ngành, đoàn thể phụ trách. Là nơi diễn ra lễ hội, cùng với chuẩn bị các nội dung tham gia, UBND thị trấn Phồn Xương phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện bố trí mặt bằng, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Ông Dương Đức Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Phồn Xương cho biết: “Thị trấn phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện rà soát, sắp xếp và bố trí xong khu vực tổ chức các gian hàng, bãi đỗ xe. Thành lập tổ an ninh với nòng cốt là lực lượng công an, dân quân tự vệ và xây dựng các phương án cụ thể để bảo đảm an ninh trật tự cho lễ hội”.
Đưa nông sản đến với người tiêu dùng
Khai thác lợi thế, ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Yên Thế ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn, trong đó tiếp tục xác định chăn nuôi gà là thế mạnh, cần tập trung duy trì quy mô tổng đàn và phát triển hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế. Hiện toàn huyện có khoảng 400 hộ nuôi gà quy mô từ 500 - 1.000 con/lứa; 650 hộ nuôi từ 1-2 nghìn con/lứa: 750 hộ nuôi từ 2 nghìn con/lứa trở lên.
Hằng năm, toàn huyện xuất bán ra thị trường hơn 10 triệu con gà thương phẩm, giá trị sản xuất đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, qua đánh giá, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn khó khăn, giá bán không ổn định; chủ yếu vẫn bán gà lông, các sản phẩm được chế biến từ gà chưa nhiều (chiếm tỷ trọng khoảng 15%) nên giá trị thu được chưa tương xứng với quy mô đàn gà của huyện... Anh Lê Văn Tuân (SN 1982), thôn Đền Giếng, xã Hồng Kỳ cho biết: “Trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi 2 lứa gà, mỗi lứa khoảng 1 vạn con theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, sản phẩm chưa chế biến sâu nên lợi nhuận mang lại không như kỳ vọng, nhiều thời điểm bị lỗ”.
Xác định lễ hội lần này là dịp để đưa thương hiệu gà đồi Yên Thế đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn, góp phần quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của huyện, cùng với chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn hàng hóa trưng bày tại lễ hội, cơ quan chuyên môn, các địa phương quan tâm chuẩn bị, đẩy mạnh tuyên truyền. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, từ ngày 25/10, các doanh nghiệp, địa phương có thể tiếp nhận gian hàng để chủ động phần trưng bày. Khuôn viên chính của lễ hội được chia thành các khu giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện; khu kinh doanh thương mại, dịch vụ; khu ẩm thực, vui chơi, giải trí…
Ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Dự kiến trong hai ngày diễn ra lễ hội, huyện sẽ đón hơn 10 nghìn lượt du khách và người dân đến tham quan, thưởng thức các món ăn được chế biến từ gà cũng như các sản phẩm khác. Để bảo đảm an toàn cho du khách, cùng với bố trí lực lượng phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, chúng tôi thành lập tổ kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Ý kiến bạn đọc (0)