Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND
Các đại biểu tham gia hội thảo. |
Các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; Trịnh Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đồng chủ trì.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, HĐND các huyện, TP nói chung, hoạt động giám sát chuyên đề nói riêng không ngừng được nâng lên.
Thông qua giám sát chuyên đề, HĐND kịp thời ghi nhận những kết quả đạt được; đồng thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong thi hành pháp luật; kiến nghị các biện pháp khắc phục cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Đồng chí Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo đề dẫn. |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động này vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tế và kỳ vọng của cử tri.
Từ thực trạng đó, các đại biểu tập trung trao đổi về nhận diện các yếu tố tác động đến chủ thể thực hiện quyền giám sát; phân tích các khía cạnh tích cực và tiêu cực của từng yếu tố, qua đó tìm giải pháp để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Những hạn chế, bất cập của pháp luật có tác động đến chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề. Nâng cao kỹ năng giám sát chuyên đề cho đại biểu dân cử…
Tiến sĩ Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi tại hội thảo. |
Theo Tiến sĩ Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có một số yếu tố hạn chế từ góc độ pháp luật tác động đến hoạt động giám sát chuyên đề.
Đó là khi xây dựng chương trình giám sát, thông thường nghị quyết về chương trình giám sát (trong đó có giám sát chuyên đề) được ban hành vào kỳ họp giữa năm trước nên một số chuyên đề chưa mang tính cấp thiết, chưa sát với thực tế.
bên cạnh đó, các quy định của pháp luật hiện hành chưa làm rõ trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chuyên đề của HĐND.
Việc mời chuyên gia tư vấn về vấn đề mà đoàn giám sát xét thấy cần thiết nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về chế độ thù lao đối với chuyên gia. Nhiều đoàn giám sát đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chưa dành toàn tâm, toàn lực, bố trí thời gian cho hoạt động.
Về chế tài xử lý, các quy định của pháp luật liên quan chưa đầy đủ, chưa quy định các chế tài xử lý đối với việc cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Từ thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện, ông Hoàng Văn Chi, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Hòa cho rằng cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong hoạt động giám sát, nhất là thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp. Việc xây dựng chương trình giám sát phải bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri quan tâm có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sự phát triển toàn diện của địa phương.
Các tài liệu phục vụ giám sát được chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu của đề cương giám sát, phát huy trách nhiệm của thành viên. Thường xuyên đổi mới hình thức, phương thức giám sát, tránh cồng kềnh, gây khó khăn cho đơn vị chịu sự giám sát...
Thông qua hội thảo, HĐND tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến chất lượng, kinh nghiệm hay, bài học quý; từ đó nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND.
Ý kiến bạn đọc (0)