Một số kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Ông Dương Ngô Mạnh. |
Ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên: Người dân phải tự bảo vệ đàn vật nuôi
Ngoài xây dựng hệ thống phòng, chống dịch từ huyện đến cơ sở, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phát huy tính chủ động của người dân. Huyện cung cấp toàn bộ hóa chất, trang thiết bị phòng, chống DTLCP; xã đầu tư vôi bột xử lý tại các tuyến đường, khu vực công cộng.
Hộ chăn nuôi phải tuân thủ phun hóa chất và rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng tại gia đình mình. Nếu hộ nào không thực hiện thì huyện sẽ lập biên bản không hỗ trợ khi lợn chết.
Nhờ vậy, các hộ đều tích cực chung tay phòng, chống dịch. Toàn huyện phải tiêu hủy hơn 10 nghìn con lợn, là một trong những địa phương có số lợn buộc phải tiêu hủy thấp nhất tỉnh dù số đầu lợn cao nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đông. |
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế: Giao ban trực tuyến hằng tuần về phòng, chống dịch bệnh
Yên Thế đã từng xảy ra dịch cúm gia cầm trên đàn gà, người dân bị thiệt hại nặng nề. Rút kinh nghiệm trong đợt chỉ đạo đó, Yên Thế thành lập sớm các tổ phòng, chống DTLCP thường xuyên bám sát cơ sở.
Hằng tuần, cứ vào cuối giờ thứ Hai, huyện tổ chức giao ban trực tuyến trong vòng nửa tiếng để nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, tìm cách tháo gỡ.
Lực lượng chuyên môn của huyện luôn đồng hành cùng người dân, tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở và tổ chức tuyên truyền lưu động, giúp người dân hiểu về dịch, không hoang mang khi lợn mắc bệnh. Các chủ hộ chăn nuôi đã bình tĩnh, cùng chính quyền, cơ quan chuyên môn ứng phó. Qua đó hạn chế đáng kể thiệt hại.
Ông Lê Văn Hải. |
Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang (Hiệp Hòa): Chăn nuôi theo mô hình “3F”
Mỗi năm, Công ty cung cấp ra thị trường hơn 300 con lợn ông, bà; hơn 1.200 lợn bố, mẹ; 6 nghìn lợn thương phẩm. Nếu vật nuôi mắc bệnh thì thiệt hại vô cùng lớn.
Để hạn chế dịch bệnh, Công ty chăn nuôi theo mô hình 3 F (Farm-Feed-Food), tức là sản xuất theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi và giết mổ chế biến.
Hiện tại Công ty đã có trại lợn giống, dây chuyền giết mổ theo hướng hiện đại với công suất thiết kế 400 con/ngày. Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến thịt lợn thành các sản phẩm như: Dăm bông, xúc xích, giò… được khách hàng ưa chuộng. Với việc hình thành chuỗi khép kín, đơn vị kiểm soát tốt dịch bệnh, vật nuôi khỏe mạnh ngay cả trong thời điểm DTLCP hoành hành khắp nơi.
Trường Sơn (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)