Mở rộng mô hình nuôi dê vỗ béo
Thay đổi tư duy
Trước đây, ngoài làm ruộng, gia đình anh Trần Văn Luận, thôn Bình Minh, xã Lan Giới (Tân Yên) nuôi thêm lợn nhưng do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả bấp bênh nên hiệu quả không cao. Năm 2016, nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng về đồi rừng, thuận lợi để nuôi dê, trong khi vật nuôi này ít bị bệnh, anh cùng một số người bạn mạnh dạn mua dê giống về nuôi vỗ béo.
Gia đình anh Trần Văn Luận, thôn Bình Minh, xã Lan Giới (Tân Yên) đầu tư chuồng trại hai tầng kiên cố nuôi dê. |
Để nâng giá trị kinh tế, thay vì thả đồi, anh xây dựng chuồng nuôi hai tầng kiên cố, cao ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Lúc đầu, do mới nuôi chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc cũng như cách phòng, chống dịch bệnh nên đàn dê hay bị đầy hơi, tiêu chảy… mỗi khi thay đổi môi trường sống hay điều kiện thời tiết.
Đề án “Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống dê trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” sẽ xây dựng 10 mô hình sản xuất giống dê, bảo đảm cung cấp cho người chăn nuôi hơn 2,6 nghìn dê nái cùng gần 5 nghìn dê giống. Tổng kinh phí thực hiện hơn 27 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các chủ thể tham gia. |
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và tìm hiểu, học tập kỹ thuật nuôi từ bạn bè, qua các trại giống nên những lứa dê sau ít bị bệnh, nhanh lớn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Hiện nay, mỗi năm anh nuôi 3 lứa dê vỗ béo, mỗi lứa gần 300 con. Sau 3 tháng, mỗi con nặng từ 40-45 kg, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng/lứa.
“Nhập dê giống về tôi đều tiêm đủ 4 loại vắc-xin gồm: Đậu, lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm ruột hoại tử. Những con bị bệnh tôi tách riêng để điều trị nên đàn dê luôn được bảo vệ an toàn. Cùng với cho ăn thức ăn tinh, rõ nguồn gốc, tôi bảo đảm 50-60% thức ăn thô (lá cây, ngô ủ). Nhờ đó, sản phẩm luôn được thị trường đón nhận”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), những năm gần đây, tổng đàn dê của tỉnh liên tục tăng. Năm 2015 cả tỉnh chỉ có hơn 19 nghìn con dê, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 200 tấn thì đến nay đã tăng thêm 10 nghìn con, sản lượng cũng tăng gấp đôi. Trong sản xuất, tư duy của người chăn nuôi cũng thay đổi.
Nếu như trước đây, người dân nuôi thả đồi để dê tự kiếm ăn thì hiện nay phần lớn chuyển sang hình thức nuôi nhốt chuồng. Theo người dân, nuôi nhốt chuồng giảm khả năng nhiễm bệnh, trọng lượng tăng nhanh. Tại xã Hồng Kỳ (Yên Thế), hơn 30 hộ chuyên nuôi dê vỗ béo với quy mô từ 60-200 con/hộ đều đầu tư xây dựng chuồng trại.
Để bảo đảm chất lượng đàn dê, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, tiêu thụ Dê và Ong mật Hồng Kỳ đứng ra cung cấp dê giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến lứa xuất chuồng, HTX chịu trách nhiệm bao tiêu. Ông Nông Trần Hiên, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện chúng tôi đã xây dựng thành công thương hiệu dê núi Hồng Kỳ. Toàn bộ đàn dê của HTX xuất bán đều có đai chân truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới, HTX tiếp tục tăng tổng đàn, đưa Hồng Kỳ trở thành xã trọng điểm nuôi dê ở địa phương”.
Hỗ trợ cải thiện chất lượng giống
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, với quy mô tổng đàn như hiện nay, trung bình mỗi năm nhu cầu dê giống trên địa bàn tỉnh khoảng 62,5 nghìn con và còn tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, đàn dê sinh sản chỉ đáp ứng khoảng 17,3% nhu cầu về giống, còn lại người dân chăn nuôi nhập từ địa phương khác, trong đó có cả đường tiểu ngạch từ các nước: Thái Lan, Malaysia qua Campuchia về Việt Nam nên nguy cơ giống kém chất lượng, nhiễm bệnh luôn hiện hữu.
Khắc phục tình trạng này, HTX Chăn nuôi dê thôn Bình Minh, xã Lan Giới đứng ra nhập dê giống từ Thái Lan rồi cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu. Tương tự, để đưa dê trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, UBND xã Hồng Kỳ giao HTX Sản xuất, tiêu thụ Dê và Ong mật Hồng Kỳ chịu trách nhiệm cung cấp giống chất lượng cho các hộ dân, đồng thời liên kết với các hộ nuôi dê sinh sản ở các xã: Đồng Tiến, Canh Nậu và Xuân Lương (cùng huyện) để cung cấp giống cho người dân trong xã.
Nhằm phát triển đàn dê đồng thời thực hiện tái cơ cấu, chủ động nguồn giống chất lượng cao tại chỗ, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống dê trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng giống dê lai có năng suất, chất lượng cao chiếm 65-70%. Thực hiện mục tiêu này, cơ quan chuyên môn xây dựng 10 mô hình sản xuất giống dê, bảo đảm cung cấp cho người chăn nuôi hơn 2,6 nghìn dê nái (giống Boer và Bách thảo), 5 nghìn dê giống. Tổ chức tập huấn để chăn nuôi dê theo quy trình an toàn sinh học.
Đặc biệt hỗ trợ một chuỗi liên kết chăn nuôi dê thương phẩm an toàn sinh học trên địa bàn huyện Yên Thế. Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Nuôi vỗ béo dê đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần đa dạng sản phẩm chăn nuôi của Bắc Giang. Đề án được thực hiện là “cú hích” phát triển đàn dê của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện chúng tôi đang khảo sát, đánh giá, lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện hỗ trợ ngay trong quý I năm 2022. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người chăn nuôi cần thận trọng khi lựa chọn giống, tái đàn trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp".
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)