Lục Ngạn sản xuất hàng phụ trợ, dịch vụ mùa vải: Đáp ứng đủ nhu cầu
Hơn chục ngày qua, dọc theo quốc lộ 31, đoạn từ xã Phượng Sơn đến Phì Điền (Lục Ngạn) hình thành một số điểm thu mua, đóng gói vải thiều sớm. Dù vải sớm của Lục Ngạn chưa chín rộ nhưng các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất hàng phụ trợ, đặc biệt là đá cây và thùng xốp đã hoạt động cách đây cả tháng, thậm chí từ năm trước để bảo đảm đủ nguồn cung cho việc đóng gói, tiêu thụ vải.
Kho chứa đá lạnh tại cơ sở Lân Huệ, thị trấn Chũ. |
Ông Vũ Mạnh Lân, chủ cơ sở Lân Huệ, khu Trần Phú, thị trấn Chũ cho biết, bắt đầu từ ngày 30/4, gia đình ông đã sản xuất mỗi ngày 1,5 nghìn cây đá, trữ vào kho lạnh. Hiện cơ sở này xuất hơn 2 nghìn cây đá/ngày cho các cơ sở thu mua, đóng gói vải thiều tại huyện Tân Yên, Lục Ngạn và Thanh Hà (Hải Dương).
Chuẩn bị cho vụ vải năm nay, gia đình ông đã chi hơn 800 triệu đồng tu sửa hệ thống giàn lạnh, bổ sung muối, gas và sửa sang kho bảo quản. Dự tính cả vụ sẽ sản xuất khoảng 15 vạn cây đá. Ngoài ra cơ sở cũng chuẩn bị 40 tấn túi ni -lông, 50 vạn thùng xốp và hàng trăm cuộn băng keo để gói đá ướp vải.
Lục Ngạn có 42 cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp; 3 DN sản xuất thùng xốp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường với khoảng 3,75 triệu thùng xốp và 885 nghìn cây đá. Trên địa bàn huyện có 29 khách sạn, nhà nghỉ với 338 phòng phục vụ thương nhân đến thu mua, tiêu thụ vải. |
Với 3 xưởng sản xuất đá cây, hiện tại, ông Nguyễn Đức Thái, thôn Kép 2A, xã Hồng Giang đang cho công nhân vệ sinh nhà xưởng, thiết bị và chạy thử máy. “Dự kiến từ ngày 3/6, tôi cho một xưởng vận hành máy, 2 xưởng còn lại chỉ hoạt động khi thương lái Trung Quốc đã sang Lục Ngạn thu mua vải” - ông Thái nói.
Được biết, những năm trước, các xưởng của ông cũng sản xuất ngay từ đầu tháng 5 để cung ứng đá cây cho các huyện như Lục Nam, Tân Yên hay Thanh Hà (Hải Dương). Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ông chỉ ký hợp đồng cung cấp đá cho 15 điểm thu mua vải trong huyện để tránh rủi ro.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn, đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 10 trong tổng số hơn 40 cơ sở sản xuất đá cây đi vào sản xuất. Nhiều chủ cơ sở lo ngại dịch bệnh Covid- 19 kéo dài khiến số lượng thương nhân Trung Quốc sang mua hàng không đông như những năm trước nên chưa sản xuất tích trữ mà sẽ hoạt động khi vào chính vụ thu hoạch.
Do số lượng các DN sản xuất thùng xốp ít, công suất lại đạt thấp nên các cơ sở làm thùng xốp tại Lục Ngạn đã vận hành từ rất sớm, thậm chí có cơ sở sản xuất từ cuối năm ngoái. Đơn cử như Công ty TNHH Thiên Hải Long, xã Quý Sơn. Ngay từ đầu năm nay, DN này đã ký hợp đồng sản xuất thùng xốp với các thương nhân Trung Quốc. Ông Phạm Văn Thực, Giám đốc Công ty cho biết, năm nay thương nhân Trung Quốc yêu cầu 100% các thùng xốp đều phải dập chìm tên, địa chỉ của đơn vị thu mua và chỉ dẫn địa lý sản phẩm vải thiều.
Điều này cho thấy, họ rất coi trọng nguồn gốc quả vải của Lục Ngạn, tránh nhầm lẫn với vải thiều của những vùng sản xuất khác. Do đó, từ cuối tháng 3 vừa rồi, DN đã chuẩn bị xong nguyên liệu và chạy hết công suất máy 24/24 giờ. Với 14 máy, mỗi ngày DN sản xuất được trên 6 nghìn thùng xốp các loại, bảo đảm đủ theo đơn hàng.
Theo thống kê, Lục Ngạn có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, cung cấp gần 4 triệu thùng/năm và 37 kho trữ thùng xốp tại các xã: Phượng Sơn, Phì Điền, Hồng Giang, Giáp Sơn, thị trấn Chũ... Để bảo đảm nguồn cung phục vụ đóng gói vải, hầu hết các chủ kho đã cho nhập hàng từ năm trước. Tuy nhiên, do giá dầu giảm nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá loại sản phẩm này. Một chủ kho tại thị trấn Chũ nhận định: “Với giá bán như hiện tại (thùng xốp to từ 25-27 nghìn đồng/chiếc; thùng nhỏ từ 15-17 nghìn đồng/chiếc) thì chủ kho đã bị lỗ khoảng 5 nghìn đồng/thùng. Cùng đó, nhiều cơ sở vẫn e dè sản xuất đá cây, lo ngại thương nhân nước ngoài không sang mua vải nên giá mặt hàng thùng xốp và đá cây vụ này có thể biến động”.
Nhằm cung cấp đủ nguồn điện cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ vải trên địa bàn, ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Điện lực Lục Ngạn cho biết, đơn vị đã tổng kiểm tra, sửa chữa, lắp mới, khắc phục hệ thống truyền tải điện yếu kém, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện trong toàn huyện. Đặc biệt, bảo đảm cung ứng điện đầy đủ cho các DN, cơ sở sản xuất thùng xốp, đá cây, điểm thu mua, đóng gói và các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống phục vụ tiêu thụ vải trên địa bàn.
Theo UBND huyện Lục Ngạn, ngoài bảo đảm hạ tầng, dịch vụ cho mùa vải thiều, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tăng hàng, sốt giá đột biến, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất cũng như kinh doanh sản phẩm; ổn định mặt hàng phụ trợ, hỗ trợ đắc lực tiêu thụ vải thiều.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)