Chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều
Mặc dù thời tiết không thuận lợi song sản lượng vải thiều của tỉnh vẫn tăng hơn năm ngoái, đặc biệt, quả vải có chất lượng cao. Đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Lại Thanh Sơn: Vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh; hằng năm, giá trị sản xuất vải thiều ước đạt khoảng 4- 4,5 nghìn tỷ đồng (năm 2019, tổng giá trị thu được ước đạt 4,675 nghìn tỷ đồng), chiếm 25-28% giá trị ngành trồng trọt. Tuy tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng vụ vải thiều năm 2020 vẫn đạt sản lượng khoảng 160 nghìn tấn, cao hơn 10 nghìn tấn so với năm trước.
Có được kết quả đó do có vào sự tập trung cao trong công tác chỉ đạo mở rộng diện tích sản xuất vải chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Nhiều giải pháp kỹ thuật mới được áp dụng, cùng với cách làm sáng tạo trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của các chủ vườn nên năng suất, chất lượng và mẫu mã quả vải năm nay đẹp hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn khảo sát vườn vải sản xuất theo quy trình GlobalGAP tại xã Nam Dương (Lục Ngạn), tháng 4/2020. |
Hiện nay dịch Covid-19 đã được khống chế ở nước ta song trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đồng chí, việc tiêu thụ vải thiều sẽ gặp những khó khăn, trở ngại gì?
Đồng chí Lại Thanh Sơn: Xuất khẩu vải thiều tươi hằng năm chiếm hơn 50% tổng sản lượng, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Do tác động của dịch Covid-19, các quốc gia đều đóng cửa biên giới nên việc giao dịch, kết nối, khảo sát, giao thương, thu mua vải thiều của các doanh nghiệp (DN), thương nhân rất hạn chế, đặc biệt là các DN, thương nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang đã chủ động tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, sớm xây dựng kế hoạch, các phương án, kịch bản và các giải pháp tiêu thụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, thương nhân đến tìm hiểu, thu mua, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.
Để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, UBND tỉnh đã và đang có những chỉ đạo như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lại Thanh Sơn: Như đã trao đổi ở trên, trong điều kiện khó khăn do đóng cửa biên giới, cách ly phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch với các phương án và kịch bản tổ chức hội nghị xúc tiến khác nhau. Việc tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay được đổi mới theo hình thức trực tuyến, diễn ra vào ngày 6/6/2020, với 62 điểm cầu trong nước, trong đó điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang và 2 điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc.
Cùng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN, thương nhân đến khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều. Chuẩn bị đủ nguồn vốn, tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền cho lưu thông, mua bán, xuất khẩu vải thiều; nguồn điện sản xuất; thùng xốp; đá cây; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bảo đảm vệ sinh, môi trường...
Các kho, bãi tập kết phương tiện vận tải; các điểm cân vải thiều tập trung, dịch vụ môi trường... rộng rãi, sạch sẽ, thuận tiện giao thông và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án tốt nhất bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên các tuyến đường, không để xảy ra ùn tắc; làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gom hàng, tăng giá đối với các dịch vụ phụ trợ như thùng xốp, đá cây, vận tải... và gian lận thương mại.
Thương nhân thu mua vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên). |
Nhiều người cho rằng, để tiêu thụ vải thiều năm nay thành công đòi hỏi mở rộng cả thị trường trong nước và xuất khẩu ổn định sang Trung Quốc. Vậy, đồng chí có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này ?
Đồng chí Lại Thanh Sơn: Ngay từ đầu, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều phương án, kịch bản cho tiêu thụ vải thiều. Đến nay, tình hình dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến khả quan hơn, các DN, thương nhân nước ngoài đã đăng ký nhập cảnh để khảo sát, thu mua vải thiều. Như vậy có thể nhận định việc tiêu thụ vải giữa thị trường xuất khẩu-nội địa đến nay là 50-50 và cũng cơ bản như các năm trước.
Đối với thị trường xuất khẩu, thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản trong đó có vải thiều, những năm qua, tỉnh đã thường xuyên đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều cả ở trong nước và nước ngoài, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu, tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống và có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Bắc Giang đã đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc... để xuất khẩu sang Trung Quốc theo chương trình hợp tác chính ngạch.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Riêng đối với thị trường Nhật Bản, phía bạn đã chấp nhận 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha; mở rộng thị trường xuất khẩu khó tính khác như: Trung Đông, EU, Mỹ, Canada...
Một điểm cân vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên). |
Hiện nay, phía Trung Quốc và các tỉnh có cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai đã triển khai những biện pháp gì nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, thưa đồng chí?
Đồng chí Lại Thanh Sơn: Qua việc chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều, triển khai tổng thể các giải pháp nên đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, trong đó phải kể đến như chủ trương cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh vào Việt Nam, cũng như chỉ đạo các đơn vị của các bộ, ngành chủ động và phối hợp tích cực với tỉnh.
Ngoài ra, hiện nay phía Trung Quốc cũng đã mở cửa một số cửa khẩu để thông thương hàng hóa giữa 2 quốc gia, trong đó có sản phẩm vải thiều. Các tỉnh bạn như Lạng Sơn, Lào Cai cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh.
Vườn vải chín sớm trồng theo quy trình VietGAP ở huyện Lục Ngạn. |
Từ sự quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và phía nước bạn Trung Quốc, hứa hẹn hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang diễn ra vào ngày 6/6 tới đây sẽ thành công tốt đẹp, mở ra các thị trường tiêu thụ mới.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đỗ Thành Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)