Lục Ngạn: Phát triển đô thị Chũ mang đặc trưng vùng cây ăn quả
Giàu tiềm năng nhưng khó bứt phá
Lục Ngạn có gần 28 nghìn ha cây ăn quả các loại, là một trong những vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Khai thác lợi thế về khí hậu và địa hình, người dân cần cù, sáng tạo, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã dành nguồn lực để xây dựng vùng cây ăn quả mang đặc trưng, xứng tầm với thương hiệu vựa trái cây miền Bắc.
Vùng trồng cây ăn quả ở thôn Nam Điện, xã Nam Dương. |
Huyện có gần 350 di tích và khu danh thắng, với nhiều hồ đập lớn gồm: Khuôn Thần, Cấm Sơn... tạo nên quần thể thắng tích hút khách tham quan. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin Lục Ngạn, vụ vải vừa qua, toàn huyện đón 90 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Vụ cam, bưởi năm nay dự kiến Lục Ngạn đón 120 nghìn lượt du khách. Huyện đang thực hiện nhiều đề án, trong đó có “Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025” và “Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Là vùng đất rộng, giàu tiềm năng nhưng Lục Ngạn lại khó bứt phá bởi huyện còn có 19/29 xã, thị trấn kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi. Tiềm năng du lịch chưa được khai thác hiệu quả.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng của đô thị Chũ nhiều tiêu chí còn thiếu và yếu so với quy định như: Công trình về điện chiếu sáng, cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, các trục chính giao thông, nghĩa trang, nhà tang lễ, xử lý nước thải… Khu vực này chưa tương xứng với đô thị trung tâm vùng Đông Bắc của Bắc Giang như đã được tỉnh định hướng, quy hoạch.
Ngày 25/7/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 233-NQ/TU (gọi tắt là Nghị quyết 233) về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Gang giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu là sắp xếp lại và nâng cấp đô thị một số đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có Lục Ngạn (chia tách huyện thành 2 đơn vị hành chính gồm thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới).
Việc sắp xếp phù hợp với quy hoạch chung, thực tiễn phát triển của tỉnh, góp phần phát huy tối đa nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đây là cơ sở để Lục Ngạn lập đề án nâng loại đô thị, thành lập đô thị mới, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện.
Phấn đấu thành trung tâm đô thị vùng Đông Bắc
Lục Ngạn xác định Nghị quyết 233 là chủ trương lớn cũng là thời cơ tạo sức bật để phát triển đô thị. Việc thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới với 2 thị trấn: Biển Động và Phì Điền là tiền đề quan trọng tăng tỷ lệ dân số đô thị, giúp người dân cải thiện cuộc sống, được hưởng các tiện ích của đô thị, tạo sự bứt phá trong phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, vùng sâu, vùng xa của huyện cũng được quan tâm phát triển; khai thác tối đa tiềm năng vùng cây ăn quả và du lịch của huyện.
Hình ảnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị và Trung tâm hành chính tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn). |
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện Lục Ngạn sẽ tập trung phát triển thị xã Chũ thành đô thị trung tâm vùng phía Đông Bắc của tỉnh, tạo động lực phát triển cho các huyện phía Đông Bắc của Bắc Giang. Xây dựng thị trấn Chũ trở thành thị xã miền núi với tiêu chí đô thị xanh gắn với vùng cây ăn quả, du lịch sinh thái miệt vườn và nghỉ dưỡng, phù hợp với đề án phát triển du lịch của tỉnh và huyện Lục Ngạn đang thực hiện.
Đô thị Chũ sẽ không có tính chất phát triển về công nghiệp mà chủ yếu tập trung cho du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Cùng đó, huyện tập trung quy hoạch và xây dựng thị trấn Biển Động phục vụ việc chia tách huyện trước mắt, hướng tới xây dựng Phì Điền trở thành khu trung tâm huyện mới.
Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch thị xã Chũ khoảng 251,5 km2. Phạm vi dự kiến lập điều chỉnh quy hoạch đô thị Chũ trên cơ sở địa giới hành chính và diện tích tự nhiên của 10 xã, thị trấn, gồm thị trấn Chũ hiện tại và các xã: Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Hồng Giang, Kiên Lao, Kiên Thành, Thanh Hải (trừ thôn Khuôn Rẽo). |
Hiện thực hóa chủ trương này, huyện đang lập quy hoạch thị xã Chũ với quy mô diện tích khoảng 251,5 km2.
Phạm vi dự kiến lập điều chỉnh quy hoạch đô thị Chũ trên cơ sở địa giới hành chính và diện tích tự nhiên của 10 xã, thị trấn, gồm: Thị trấn Chũ hiện tại và các xã: Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Hồng Giang, Kiên Lao, Kiên Thành, Thanh Hải (trừ thôn Khuôn Rẽo).
Huyện xác định xây dựng đô thị gắn với phát triển vùng cây ăn quả nên tập trung quy hoạch vùng sản xuất tại các xã như: Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải; khu vực phát triển các khu dân cư sinh thái và dịch vụ tại các sườn đồi thấp, dọc bờ sông như các xã: Nam Dương, Mỹ An, thị trấn Chũ. Lấy vùng sản xuất cây ăn quả làm trọng tâm, khu vực phát triển dịch vụ là động lực.
Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, huyện triển khai công trình chính trong khu vực thành lập thị xã Chũ thuộc nhóm tiêu chí kiến trúc cảnh quan đô thị. Trong đó, tập trung hoàn thành trước quy hoạch chi tiết khu đô thị và khu trung tâm hành chính.
Huyện sẽ di dời trụ sở TAND, Viện KSND và Công an huyện; đầu tư xây dựng mở rộng quảng trường trung tâm, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí đô thị, nước sạch tại các xã dự kiến thành lập phường; lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khách sạn, dịch vụ thương mại tại trung tâm đô thị Chũ vào năm 2023, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan làm điểm nhấn cho thị xã Chũ.
Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Lục Ngạn cho biết, bên cạnh nhiệm vụ quy hoạch, công tác tuyên truyền vận động được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phấn đấu, đến năm 2024, huyện hoàn thành việc triển khai lập quy hoạch, đề án, chương trình phát triển đô thị, năm 2025 thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới.
Bài, ảnh: Thế Đại- Quang Huấn
Ý kiến bạn đọc (0)