Lục Ngạn: Khơi sức dân từ phong trào "Dân vận khéo"
Hội viên người cao tuổi xã Giáp Sơn truyền dạy hát dân ca cho học sinh tiểu học. Ảnh: Nguyễn Đạt. |
Những mô hình hiệu quả
Đầu năm 2016, thôn Trại Muối, xã Giáp Sơn được Nhà nước hỗ trợ cứng hóa hơn 1,6 km đường giao thông nhưng không bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, để bê tông hóa đoạn đường này, thôn cần mở rộng nền đường từ 3m lên 4m. Ông Trần Đức Thắng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn cho biết: “Muốn mở rộng đường thì phải giải phóng mặt bằng, làm sao để người dân tự nguyện hiến đất. Để giải quyết, chúng tôi vận động những người có uy tín, cán bộ, đảng viên trước. Chỉ trong thời gian ngắn, 48 hộ dân đã tình nguyện hiến hơn 3.200 m2 đất, hơn 1.000 m tường rào”. Cũng bằng cách làm này, vừa qua, cán bộ thôn Trại Muối đã tuyên truyền, vận động hơn 50 hộ dân đồng ý hiến đất và tháo dỡ một số công trình trên đất phục vụ cứng hóa, mở rộng 1,9 km đường khác. Ông Nguyễn Đức Tứ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Giáp Sơn nói: “Ngay sau khi có chủ trương mở rộng các tuyến đường ở Trại Muối, lãnh đạo xã phối hợp với thôn đi từng hộ dân để vận động. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân nên xã Giáp Sơn đã nhanh chóng hoàn thành giải phóng mặt bằng”.
Tại xã Tân Mộc, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2009, chị Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt chặt bỏ hơn 2 ha vải thiều chuyển sang trồng cam Vinh và cam Đường Canh. Từ đó đến nay, mỗi năm chị tiếp tục mở rộng thêm diện tích cây có múi. Với 7,5 ha cây ăn quả, trong đó 2 ha cam Vinh, 1,5 ha cam Đường Canh và 4 ha bưởi da xanh, năm 2016, chị thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Năm nay dự kiến lợi nhuận từ cây ăn quả không kém hơn so với năm trước.
Toàn xã hiện có hơn 100 mô hình “Dân vận khéo” lĩnh vực kinh tế. Đây là cơ sở để xã Tân Mộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Cán bộ Hội LHPN xã Nghĩa Hồ phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho hội viên. Ảnh: Bá Đạt. |
Đẩy mạnh phong trào từ cơ sở
Bà Nguyễn Thu Hường, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Nhiều địa phương, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phong trào đi vào đời sống.
Diễn đàn “Nghe dân nói” là một ví dụ điển hình đang được nhân rộng. Theo đó, Thường trực Huyện ủy duy trì một năm hai lần giao ban với bí thư chi bộ thôn, khu phố. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị của nhân dân. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện, xã thì huyện, xã có trách nhiệm trả lời, giải đáp ngay tại diễn đàn. Những vấn đề ngoài thẩm quyền hay những vụ việc phức tạp sẽ được cấp ủy, chính quyền lắng nghe, ghi nhận và trả lời cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Năm 2017, huyện Lục Ngạn đăng ký thực hiện 430 mô hình thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Thấy rõ hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Gắn phong trào thi đua với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, cơ sở. Tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội trong nhân rộng, duy trì và phát triển bền vững các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình.
Quang Huấn - Đức Thọ
Ý kiến bạn đọc (0)