Lục Nam hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở: Linh hoạt tuyên truyền, vận động
BẮC GIANG - Thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công (NCC) gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới, thời gian qua, huyện Lục Nam đã tích cực triển khai, trong đó tập trung cao hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở.
Niềm vui trong căn nhà mới
Là một trong những hộ được hỗ trợ để xây mới nhà ở, gia đình ông Vũ Tuyên Truyền (SN 1949) ở thôn Tó, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) vui mừng khi sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà 3 gian kiên cố đã hoàn thiện. Ông Truyền là thương binh. Trước đây, hai vợ chồng ông sống trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp cùng nhiều âu lo, nhất là khi đến mùa mưa bão. Mong mỏi có được ngôi nhà xây mới khang trang là niềm mơ ước bấy lâu của ông và gia đình. Từ số tiền dành dụm, tích cóp và sự góp sức của người thân, gia đình ông đã có ngôi nhà mới với diện tích hơn 75 m2.
Ngôi nhà của bà Vũ Thị Thúy (vợ liệt sĩ) ở thôn Phạm Kha, xã Tam Dị vừa được tu sửa lại. |
Cùng chung niềm vui như ông Truyền, ông Đỗ Quang Thời (SN 1948) ở thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn (Lục Nam) cũng xúc động khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Thời nhập ngũ khi mới ngoài 20 tuổi. Năm 1972, trong trận đánh ác liệt tại thành cổ Quảng Trị, ông bị thương. Căn nhà ông ở lâu năm bị hỏng mái ngói, dột nát. Mỗi khi trời mưa to, nước chảy tràn nền nhà. Khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho NCC, ông làm lại mái bằng tôn xốp chống nóng, tổng trị giá khoảng 40 triệu đồng. Những ngày này, bà Vũ Thị Thúy (SN 1954) ở thôn Phạm Kha, xã Tam Dị cũng đang tranh thủ dọn dẹp, bài trí lại các vật dụng trong nhà. Bà Thúy có chồng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ngôi nhà nhỏ được xây dựng từ năm 1979 đã xuống cấp nhiều năm nay. Sau hơn 1 tháng tu sửa, ngôi nhà đã khoác lên mình tấm áo mới, đem đến niềm vui cho các thành viên trong gia đình.
Phấn khởi, xúc động là tâm trạng chung của những NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Lục Nam khi được chuyển đến sống trong những căn nhà mới. Mỗi ngôi nhà dù được xây mới hay sửa chữa đều là sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền; là việc làm có ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình NCC gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn huyện, Huyện ủy Lục Nam đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/HU ngày 4/3/2024 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể xã hội đối với công tác này. Cùng đó, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện vận động, hỗ trợ cấp huyện (Ban Chỉ đạo 559); đồng thời, huyện thành lập 25 tổ rà soát, thẩm định, xác định đối tượng cần hỗ trợ. Sau rà soát, ngoài số hộ nghèo, cận nghèo, toàn huyện có 40 hộ NCC thuộc diện được hỗ trợ. Trong đó, số nhà đăng ký xây mới là 19 nhà, sửa chữa 21 nhà.
Đa dạng cách làm
Theo hướng dẫn của tỉnh, mức hỗ trợ tối thiểu đối với xây nhà mới là 50 triệu đồng/hộ; 25 triệu đồng/hộ đối với nhà sửa chữa. Cấp tỉnh vận động, hỗ trợ 50% kinh phí, cấp huyện vận động, hỗ trợ 50% kinh phí. Triển khai thực hiện chủ trương trên, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Nam đã niêm yết công khai danh sách các hộ được hỗ trợ tại nhà văn hóa và trên hệ thống loa truyền thanh thôn, tổ dân phố; kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ; gắn trách nhiệm, đánh giá thi đua đối với cán bộ, đảng viên được phân công hỗ trợ; huy động sự vào cuộc tích cực của chi ủy, ban lãnh đạo các thôn. Một số địa phương trong quá trình triển khai đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt. Đơn cử như ở xã Nghĩa Phương, toàn xã có 5 trường hợp NCC được hỗ trợ xây mới, sửa nhà. Để huy động nguồn kinh phí, ngoài viết thư ngỏ về vận động ủng hộ tới các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và con em là người địa phương đang sinh sống, công tác và làm việc trong và ngoài xã, tại lễ phát động chung về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình NCC gặp khó khăn về nhà, xã mời thêm các doanh nghiệp trên địa bàn đến dự, ủng hộ. Toàn bộ kinh phí ủng hộ được cập nhật thường xuyên vào nhóm Zalo dân vận cộng đồng của xã.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự xã huy động lực lượng dân quân tự vệ giúp đỡ ngày công vận chuyển nguyên vật liệu, phá dỡ nhà. Còn ở xã Yên Sơn, qua nắm bắt thực tế, nhận thấy do còn thiếu kinh phí đối ứng nên một số hộ chưa triển khai. Tháo gỡ khó khăn này, xã tạo điều kiện tạm ứng trước 50% kinh phí hỗ trợ để mua nguyên vật liệu; giao các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ ngày công tháo dỡ, san gạt mặt bằng. Đồng chí Phùng Văn Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thông tin: Với sự nhất quán trong chỉ đạo, đến nay, xã đã khởi công 4/4 nhà là đối tượng NCC, phấn đấu đến tháng 8 tới sẽ hoàn thành việc bàn giao nhà.
Thông tin từ Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, đến nay số nhà đã khởi công là 22/40 nhà (thuộc hộ diện NCC). Trong đó, đã hoàn thành 16 nhà. Số còn lại chưa khởi công chủ yếu do yếu tố văn hóa, như chờ xem ngày đẹp, xem tuổi để làm nhà… Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho NCC, theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo 559 của huyện, điều đầu tiên là phải triển khai bảo đảm chặt chẽ ngay từ khâu rà soát đối tượng tới quá trình thi công, bảo đảm dân chủ, minh bạch, khách quan; thường xuyên công khai kết quả vận động, hỗ trợ đi đôi với kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn ngay từ cơ sở. Mặt khác, làm tốt công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xã hội từ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tới cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)