Lục Nam - điểm đến ấn tượng trong hành trình khám phá Tây Yên Tử
Lễ hội suối Mỡ thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh. Ảnh: Đào Trung. |
Trong vùng đất thiêng Tây Yên Tử, Lục Nam có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh đẹp tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Tại Tuần Văn hóa - Du lịch của tỉnh với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” được tổ chức tới đây, huyện sẽ giới thiệu tới du khách những nét nổi bật nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Vùng Tây Yên Tử trải rộng khắp các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng. Trong đó, Lục Nam được thiên nhiên ưu đãi cảnh đẹp, lịch sử để lại nhiều di sản, đáng quan tâm là có nhiều di tích lịch sử liên quan tới con đường hoằng dương Phật pháp của vua Trần Nhân Tông từ Yên Tử tới chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Nam Nguyễn Đức Toàn. |
Du khách đến Lục Nam không thể không ghé thăm một số điểm du lịch nổi bật như: Khu du lịch sinh thái (DLST) Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương), thác Rêu (xã Cẩm Lý), hồ Suối Nứa (xã Đông Hưng), suối Nước Vàng và thác Giót (xã Lục Sơn); chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng) có Bảo vật Quốc gia Hương án đá Khám Lạng; đình Sàn (xã Phương Sơn), đình Thân (thị trấn Đồi Ngô)… Du khách còn có thể tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống độc đáo như hát Văn, nghề dệt thổ cẩm.
Con người Lục Nam cần cù lao động và năng động trong cơ chế thị trường, sản xuất ra nhiều sản vật đặc trưng, chủ lực đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến như: Na dai, nhãn lồng Đan Hội, dứa Bảo Sơn, củ đậu Chu Điện, hành lá và khoai sọ Khám Lạng.
Tuần Văn hóa - Du lịch là cơ hội lớn để chúng tôi quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người quê hương sông Lục, núi Huyền. BTC sẽ phối hợp tổ chức chu đáo Lễ khánh thành đền Hạ tại Khu DLST Suối Mỡ và thi liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tại đây; khánh thành và khai hội đền Thần Nông tại xã Cẩm Lý; trưng bày sản vật của địa phương, tổ chức trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật quần chúng.
Lần đầu huyện tổ chức khai hội đền Thần Nông, cũng là nét độc đáo tại Tuần lễ. Xin ông giới thiệu rõ hơn về ngôi đền và lễ hội này?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Tục thờ Thần Nông đã có từ lâu trên dải đất hình chữ S. Ở vùng Kinh Bắc xưa, trong đó có Lục Nam ngày nay có nhiều địa phương thờ Thần Nông, tục này gắn bó với nghề nông, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Từ lâu, các nhà khoa học đã khảo sát địa phận thôn Hố Mỵ (xã Cẩm Lý) có vị trí tuyệt đẹp, từ đây trông thấy chòm sao Thần Nông rất gần, rất sáng và vẫn còn dấu tích của tục thờ vị thần này. Một số nghiên cứu còn khẳng định, đây là địa điểm linh thiêng, được coi là “huyệt đạo” của nghề nông đất Việt, vẫn còn dấu tích về “đống thóc, đống gạo”. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và các doanh nhân, nhà hảo tâm đã đầu tư xây dựng đền Thần Nông tại đây và nay mới hoàn thành.
Nếu “định vị” đền Thần Nông trong bản đồ phát triển du lịch vùng thì đây là điểm kết nối giữa Tây Yên Tử với Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nổi tiếng của tỉnh Hải Dương. Du khách từ phía Đông Yên Tử về chùa Vĩnh Nghiêm hoặc sang Tây Yên Tử bằng đường bộ và ngược lại có thể dễ dàng ghé qua đền vãn cảnh, thắp hương cầu mưa thuận gió hòa, nông nghiệp phát triển.
Tại lễ khai hội đền Thần Nông có nghi lễ tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và nghi lễ này sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm.
Đền Thần Nông và đường vào cơ bản hoàn thành. Ảnh: Đinh Hương. |
Để Lễ khai hội và Tuần lễ diễn ra chu đáo, ấn tượng, huyện Lục Nam đã chuẩn bị như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Sự kiện này diễn ra ở nhiều huyện, có sự tham gia, phối hợp thực hiện của nhiều ngành nhưng chúng tôi xác định Lục Nam là một trong những địa điểm trung tâm, phải tổ chức chu đáo, tạo điểm nhấn rõ nét. Vì thế huyện sớm thành lập BTC, phân công nhiệm vụ từng thành viên, rà soát các khâu công việc để thực hiện theo lộ trình với quyết tâm cao nhất.
CHƯƠNG TRÌNH NỔI BẬT • Lễ cắt băng khánh thành đền Hạ (17-2). • Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tại Khu DLST Suối Mỡ (17 và 18-2). • Lễ khánh thành và khai hội đền Thần Nông (20-2). |
Đến nay, việc trùng tu đền Hạ, nhà hát Văn và các hạng mục phụ trợ đã cơ bản hoàn thành, đền Thần Nông và đoạn đường nối từ quốc lộ 37 tới đền đã xong. Chúng tôi còn hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, địa phương chuẩn bị gian trưng bày sản vật tại Khu DLST Suối Mỡ và đền Thần Nông; hai đội hát Văn tích cực luyện tập để giao lưu và tham gia biểu diễn tại Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn; kịch bản nghi lễ tâm linh ở đền Thần Nông và các điều kiện phát động Tết trồng cây tại đây cũng được chuẩn bị chu đáo; công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đã sẵn sàng.
Chúng tôi luôn xác định Lục Nam là điểm nhấn quan trọng trong hành trình khám phá Tây Yên Tử, vì vậy sẽ tổ chức chu đáo các hoạt động nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Lễ khai hội xuân và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch diễn ra đầu năm mới, dự kiến có rất nhiều du khách trong nước, con em quê hương Lục Nam đang sinh sống ở ngoài tỉnh về dự. Nhân đây, ông mong muốn chia sẻ điều gì?
Ông Nguyễn Đức Toàn: Các hoạt động của lễ hội trên đều nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của vùng Tây Yên Tử mà địa bàn Lục Nam có vị thế quan trọng. Tôi cho rằng đây là cơ hội để huyện quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người quê hương sông Lục, núi Huyền và kích cầu phát triển du lịch nói riêng, KT-XH nói chung. Vì thế tôi trân trọng kính mời du khách, bà con quê hương Lục Nam đang sinh sống, học tập và lao động ở mọi miền của Tổ quốc cũng như ở nước ngoài về dự lễ hội.
Ngoài sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh và các ngành liên quan, qua đây tôi cũng mong muốn, các doanh nhân, nhà hảo tâm, con em quê hương Lục Nam hãy động viên tinh thần, chung tay góp sức ủng hộ vật chất để xây dựng các điểm du lịch trên địa bàn huyện ngày càng đẹp hơn.
Xin cảm ơn ông!
Cao Minh Ngọc (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)