Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz (Nga) - Kỳ 2: Những chiến công bất tử
Một binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Nga giải cứu con tin tại Trường Tiểu học số 1 TP Beslan (Cộng hòa Bắc Osetia) ngày 3-9-2004. |
Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz (Nga): Kỳ 1 - Bất cứ đâu, bất cứ lúc nào |
Thép đã tôi thế đấy!
Máu, mồ hôi và nhiều năm huấn luyện. Nói ngắn gọn, một chiến binh Spetsnaz được tạo nên theo cách ấy. Từ thấp đến cao, từ “nhập môn” đến “đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp” sẽ có ba mức đào tạo bắt buộc mà người lính đặc nhiệm phải trải qua.
Đầu tiên, sau những bài tập thông thường, chỉ những tân binh mới nhập ngũ xuất sắc nhất (thường là chỉ vài phần trăm trong số hàng chục nghìn người) mới được gọi tập trung. Họ sẽ hoạt động theo tổ và rèn luyện những kỹ năng sinh tồn như dựng trại khẩn cấp, phối hợp với đồng đội thực hiện nhiệm vụ đơn giản, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác theo một lộ trình phức tạp mà yêu cầu là không được để lạc bất cứ ai trong đội hình. Tất cả những công việc này đều sẽ phải được thực hiện trong những khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, mà nếu không hoàn thành, những hình phạt chờ đợi sẽ rất nghiêm khắc.
Có những bài tập đã được hé lộ khiến bất cứ ai cũng phải khiếp sợ, ví dụ: Người lính bị thả xuống sa mạc hoặc rừng rậm với số quân trang quy định và phải tự tìm đường về đơn vị đúng thời hạn. Khả năng chết đói hoặc chết khát là có thật. Sau đợt tập trung này, chỉ những người thông minh, sáng tạo, khỏe mạnh và năng động nhất mới có thể được chuyển tiếp lên tuyến trên, tiếp tục trui rèn tại các tiểu đoàn huấn luyện đặc nhiệm Spetsnaz. Và ở đây, như chia sẻ của trung tá Andrey Furaev – một sĩ quan huấn luyện: “Có rất nhiều vận động viên thể thao đăng ký tham gia ứng tuyển vào Spetsnaz. Song, rất ít trong số họ được nhận. Bởi vì, một người lính Spetsnaz thực thụ phải bền bỉ và hơn thế, phải hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm lý”.
Đặc nhiệm GRU của Nga. |
“Trưởng thành về mặt tâm lý” là yếu tố quan trọng hàng đầu, là điều kiện đủ, sau khi các học viên đã thuần thục những kỹ năng kỹ - chiến thuật “sinh tử”. Hiểu một cách ngắn gọn, hơn cả chuyện đối diện với mọi loại kẻ thù, người lính đặc nhiệm còn phải đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân. Họ phải vượt qua nó và cũng phải học cách vứt bỏ tất cả mọi sự ràng buộc vướng víu trong tâm lý, kể cả sự “sĩ diện” (hay hiểu theo cách khác là “lòng tự trọng”).
Họ liên tục bị đẩy đến giới hạn chịu đựng của bản thân, như bài tập bị cả đơn vị (gồm toàn “ma cũ”) tặng cho một trận đòn “ra mắt” mà không được chống cự. Họ không bao giờ được ăn quá no, bởi điều đó khiến cơ thể ỳ trệ. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi dành cho họ cũng vô cùng eo hẹp, và bởi vậy, họ phải học cách tận hưởng chúng một cách hiệu quả nhất, nhằm giúp cơ thể hồi phục tốt nhất.
Người ta hay chú ý tới khía cạnh kỹ năng chiến đấu của các lực lượng như Spetsnaz. Dĩ nhiên, yêu cầu đặt ra là một người lính đặc nhiệm phải sử dụng thành thạo mọi loại vũ khí (từ tối tân đến thô sơ như dao hay búa), phải ra được những đòn đánh đơn giản nhưng có sức sát thương cực cao (được tổng hợp từ tinh hoa võ thuật thế giới hiện đại) và phải “nhắm mắt cũng phối hợp được” với toàn đội. Song, điều quan trọng nhất vẫn là một bộ thần kinh thép. Lính Spetsnaz, trong kỳ huấn luyện này, sẽ liên tục bị thử thách sự bình tĩnh bằng những lời lăng nhục, bằng các hình phạt khắc nghiệt, bằng cả sự cạnh tranh khốc liệt với chính đồng đội của mình, để giành vị trí chỉ huy dù chỉ là một nhóm ba người. Vị trí ấy, sau khóa huấn luyện cấp tiểu đoàn này, cũng chỉ mang lại quân hàm trung sĩ.
Muốn tiến cao hơn binh nghiệp, người lính phải tiếp tục dấn thân. Nhưng cơ hội để tiếp tục cũng vẫn chỉ trao cho những người xuất sắc nhất của những người xuất sắc. Khóa huấn luyện sĩ quan đặc nhiệm tại các trung tâm cao cấp nhất sẽ kéo dài từ 4-5 năm, với chương trình huấn luyện bí mật. Người ta chỉ có thể phỏng đoán rằng để trở thành sĩ quan đặc nhiệm, những học viên chắc chắn phải thể hiện được khả năng độc lập tác chiến, tố chất lãnh đạo bẩm sinh, thể chất bền bỉ, kỹ năng hoàn hảo và tâm trí hoàn toàn lạnh lùng, đến mức gần như vô cảm. Ở điểm cuối của chặng đường dài đầy mồ hôi và máu này, không còn chỗ cho bất cứ kẻ nghiệp dư nào.
Lính đặc nhiệm chuẩn bị xông vào Trung tâm Văn hóa Dubrovsk ở Moskva ngày 26-10-2002 giải cứu con tin. |
Nối dài những chiến tích
Truyền thống bộ đội đặc nhiệm Liên Xô đã ghi dấu những chiến công vang dội, không bao giờ phai mờ. Để hiện tại, những người lính Spetsnaz Nga tiếp tục đóng vai trò “thành lũy” bảo vệ an ninh quốc gia, thông qua việc hoàn thành những sứ mệnh tưởng chừng bất khả thi.
Theo các tài liệu mới giải mật gần đây của GRU, tháng 5-1968, 10 người lính đặc nhiệm Liên Xô đã tấn công một căn cứ bí mật của Mỹ ở Campuchia, cách biên giới Việt Nam 30km. Sau 25 phút, họ cướp được 1 trực thăng Cobra và phá hủy toàn bộ 5 trực thăng còn lại. Cũng trong năm 1968, tại sự biến Tiệp Khắc, chỉ trong 9 phút 21 giây, Spetsnaz đã chiếm xong sân bay Prague, lập đầu cầu chuyển quân cho khối quân sự Hiệp ước Warsawa.
Nhóm ALFA (gọi tắt là nhóm A, thành lập ngày 29-7-1974) - biệt đội tuyệt mật đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh đạo KGB - mang trên mình nhiều hào quang nhất. Phi vụ nổi tiếng nhất của ALFA là tấn công cung điện của quốc vương Afghanistan: Dar-ul-aman (ngày 27-12-1979). Đây là tổ hợp ba toà nhà trên đồi, có thể quan sát 360 độ, chỉ có một con đường độc đạo đi lên, xây dựng cực kỳ kiên cố, tường có thể chống được đạn 23mm. Thường có 2.000 lính của lực lượng mujahideen canh giữ, trang bị vũ khí đầy đủ, cả vũ khí chống tăng. Tuy nhiên, hôm đó chỉ còn 200 tên, với 7 xe tăng, trong đó có 2 xe án ngữ trước cổng. Cách đó khoảng 500m là tổng hành dinh quân đội, có hệ thống phòng không và nhiều trại lính, cảnh sát xung quanh bảo vệ. Trận chiến diễn ra trong vòng 30 phút, toàn bộ các mục tiêu đều bị tiêu diệt. Đội ALFA mất 1 xe BTR, 1 xe BMP, 5 người thiệt mạng, 13 người bị thương.
Bên cạnh nhóm A, phải nhắc tới nhóm Vympel (gọi tắt là nhóm V). Vympel được thành lập vào ngày 9-8-1981, thuộc Sở C (tình báo ngầm) Tổng cục 1 KGB Liên Xô. Hiện Vympel đã trở thành Trung tâm đặc nhiệm của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động tình báo, phản gián, chống khủng bố và bảo vệ an ninh của công dân Nga trong cũng như ở ngoài nước. Đương nhiên, nó cũng góp phần tích cực bảo vệ an ninh cho người nước ngoài trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Nói đến lịch sử nhóm V, người ta không thể không nhắc đến chiến công trong hai chiến dịch giải phóng con tin tại Trung tâm Văn hóa Dubrovsk ở Moskva ngày 26-10-2002 và tại Trường Tiểu học số 1 thành phố Beslan, thuộc Cộng hòa Bắc Osetia ngày 3-9-2004.
Lực lượng đặc nhiệm Alpha của Nga. |
Nhờ mưu trí sáng suốt, khôn khéo và hành động vô cùng dũng cảm, các đội viên Vympel đã cứu sống hàng trăm con tin, trong đó có gần 300 em học sinh tiểu học khỏi bàn tay đẫm máu của bọn khủng bố.
Mới nhất, mỗi bước tiến của quân đội chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của quân đội Nga trong cuộc chiến chống IS cũng đều có phần đóng góp quan trọng của các chiến binh Spetsnaz. Không chỉ là những cỗ máy chiến đấu nữa, Spetsnaz đến Syria bao gồm cả các chuyên gia chất nổ, các tổ công binh, các xạ thủ bắn tỉa và cả các bậc thầy dân vận. Ở Palmyra, ở Allepo hay ở Raqqa... trên sa mạc hay trong những cuộc đọ sức đường phố, những người lính thuộc đơn vị đặc biệt tinh nhuệ và tuyệt mật này đều có mặt ở tuyến đầu. Họ là sự bảo đảm cho những đợt không kích được chính xác và cũng là những người dọn đường cho bộ binh tràn lên quét sạch chiến trường, xé nát những lá cờ đen trong bão lửa. Đó là lưỡi kiếm tuốt trần không khoan nhượng trong tay nước Nga.
Thiên Thư
Ý kiến bạn đọc (0)