Lực lượng công an: Hết lòng phục vụ nhân dân
Phát huy hiệu quả mô hình
Chị Triệu Thu Trang ở tổ dân phố Tiến Hòa, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) đến Công an thị trấn làm thủ tục nhập khẩu. Thượng úy Đỗ Đức Tú đã hướng dẫn tận tình từ việc khai báo, chụp ảnh, nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công. Chỉ mất vài phút, thủ tục đã xong, chị nói: “Tôi làm công nhân, thời gian eo hẹp nên cũng muốn làm nhanh chóng. Tới đây, tôi sử dụng tài khoản VNeID nên không cần mang theo nhiều giấy tờ như trước”.
Thượng úy Đỗ Đức Tú, Công an thị trấn Nhã Nam hướng dẫn người dân quét mã QR tìm hiểu về các thủ tục hành chính. |
Công an thị trấn hiện đang triển khai 25 thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ nhân dân. Đơn vị đã bố trí một cán bộ thường trực; tất cả TTHC được niêm yết trên bảng và đăng tải trên Zalo giúp người dân dễ nắm bắt. Mỗi tháng, hàng trăm lượt công dân được đón tiếp và giải quyết TTHC với phương châm "4 xin (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép) và 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ)".
Từ năm 2020, sau khi tiếp quản trụ sở của Đồn Công an Nhã Nam, Công an thị trấn đã tranh thủ sự ủng hộ cấp ủy, chính quyền địa phương cải tạo, sửa chữa trụ sở khang trang hơn. Dù cả đơn vị mới có 6 cán bộ, chiến sĩ song nhiệm vụ đều được phân công rõ ràng. Công việc hôm trước được bàn giao cho ca trực hôm sau, không để ùn ứ. Là đơn vị duy nhất của tỉnh đạt được 100 điểm xếp loại xuất sắc, Công an thị trấn có những kinh nghiệm quý báu.
Mục tiêu khi triển khai mô hình đó là giúp thay đổi nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về cải cách hành chính; xây dựng lực lượng công an xã chính quy vững vàng về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, nhất là thực hiện chủ trương tăng cường bám nắm cơ sở phục vụ nhân dân. |
Thiếu tá Phạm Văn Mạnh, Trưởng Công an thị trấn Nhã Nam nói: “Xác định điểm mấu chốt khi triển khai mô hình là xây dựng được mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Tất cả cán bộ Công an thị trấn đều là thành viên tích cực của công đoàn địa phương. Từ đây, chúng tôi có được nguồn tin nhanh, chính xác, kịp thời thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự”. Nhờ đó, hiện Nhã Nam không có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; không có điểm, tụ điểm về ma túy.
Song song với mô hình “Công an phường Hoàng Văn Thụ thân thiện - phục vụ - kỷ cương”, Công an phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) còn triển khai nội dung Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị. Từ khi có đề án, đơn vị đã nhanh chóng tham mưu Đảng ủy, UBND phường ban hành nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Trong đó, thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban, Trưởng Công an phường làm Phó trưởng ban; trưởng các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ chuyên môn là thành viên. Giao chỉ tiêu cụ thể hóa nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, bất hòa từ cơ sở.
Chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ kinh phí tu sửa cơ sở, trang bị thêm máy tính, máy in... Nhờ đó, 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường trực tuyến đúng, trước hạn. Tất cả tin báo được phân loại, xử lý và chuyển cơ quan cấp trên theo quy định.
Trung tá Lê Việt Thắng, Trưởng Công an phường cho biết: “Việc xây dựng mô hình đã góp phần đổi mới mạnh mẽ tư duy, lề lối, tác phong làm việc của chỉ huy, cán bộ Công an phường. Với người dân, cán bộ công an luôn có phong cách chỉn chu, giữ đúng tác phong, lễ tiết khi làm việc. Mỗi vấn đề đều được nắm bắt, giải thích cho người dân thấu tình, đạt lý”.
Thống nhất quy chế hoạt động
Năm 2022, Công an tỉnh triển khai thí điểm 3 mô hình: “Công an xã, phường, thị trấn tận tụy-gắn bó - thân thiện, vì nhân dân phục vụ”; “Cải cách hành chính tại công an xã” và “Công an xã, phường, thị trấn chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân”. Ba mô hình có những điểm chung như: Công khai, dân chủ, minh bạch TTHC và kết quả giải quyết; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh thần phục vụ nhân dân; xây dựng hình ảnh cán bộ tận tụy, gắn bó, thân thiện.
Đầu năm 2023, Công an tỉnh sáp nhập 3 mô hình trên thành mô hình “Công an xã, phường, thị trấn thân thiện - phục vụ - kỷ cương” bảo đảm hiệu quả, không gây chồng chéo; nhân rộng ở 209/209 công an cấp xã toàn tỉnh.
Hết tháng 6/2023, toàn bộ công an các xã, phường, thị trấn đã xây dựng, hợp nhất xong 3 mô hình trên, được Công an tỉnh thẩm định, đánh giá và công nhận. Kết quả, toàn tỉnh có 97 công an cấp xã đạt loại xuất sắc, 98 cơ sở đạt loại tốt, 14 đơn vị đạt loại khá. Đến nay, công an các huyện, TP đã tổ chức ra mắt, duy trì mô hình ở toàn bộ 209 xã, phường, thị trấn.
Một số đơn vị có cách làm sáng tạo, chỉ đạo sát sao, có tỷ lệ mô hình được xếp loại xuất sắc cao như: Công an TP Bắc Giang, huyện Sơn Động, Hiệp Hòa, Yên Dũng. Cụ thể, UBND TP cấp kinh phí triển khai mô hình với tổng số tiền 750 triệu đồng cho 16 xã, phường. Công an các huyện Sơn Động, Việt Yên chủ động bố trí kinh phí, trang bị cho công an các xã, thị trấn. Đại tá Bùi Huy Nam, Trưởng Công an huyện Tân Yên nói: "Tất cả công an xã, thị trấn trên địa bàn đều bố trí phòng làm việc, bộ phận một cửa khoa học, thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân qua hội nghị, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân qua Zalo".
Mặc dù vậy, hiện còn 159 đơn vị chưa có trụ sở độc lập, cơ sở vật chất khó khăn, phòng làm việc chật hẹp. Cá biệt như: Công an xã Yên Lư (Yên Dũng), Công an xã Hương Mai (Việt Yên)… phải mượn nhà văn hóa thôn, phòng làm việc của Trạm Y tế xã để làm nhiệm vụ. Kinh phí xây dựng mô hình còn phụ thuộc vào UBND cấp xã, chưa huy động được nguồn xã hội hóa.
Thời gian tới, để mô hình phát huy hiệu quả, Thiếu tá Giáp Văn Khương, Phó trưởng Phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho biết, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu đề xuất với UBND cùng cấp tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở làm việc, hỗ trợ kinh phí cho lực lượng công an cấp xã trong việc trang cấp phương tiện, thiết bị làm việc. Nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, chủ động nắm tình hình, phối hợp tham mưu giải quyết hiệu quả vụ việc phát sinh ở cơ sở, đấu tranh với các loại tội phạm. Thực hiện nghiêm túc Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động lực lượng công an xã chính quy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)