Liệu gọng kìm trừng phạt của Mỹ có khiến Iran khuất phục
Lý do chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt lại trừng phạt là do Tehran không tôn trọng thỏa thuận hạt nhân đã ký và Mỹ chủ trương “gây áp lực tối đa” cả về ngoại giao lẫn kinh tế để buộc Iran vĩnh viễn từ bỏ tham vọng chế tạo bom hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Iran Rouhani. |
Mỹ muốn áp dụng chiến thuật tương tự như với Triều Tiên
Gói cấm vận đầu tiên liên quan đến các khoản giao dịch tài chính của Tehran được thanh toán bằng đồng USD, các hoạt động mua bán vàng và kim loại quý, than đá, ngành công nghiệp xe hơi và các hợp đồng mua bán máy bay của Iran. Đợt trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực vào ngày 4-11-2018, chủ yếu nhằm vào ngành dầu khí, trụ cột của kinh tế Iran. Theo giới quan sát, đợt trừng phạt đầu tiên chưa quá nặng nề nhưng đợt trừng phạt thứ hai chắc chắn gây ra những tác động mạnh mẽ hơn nhiều đối với nền kinh tế và xã hội của nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, điều này có khiến Iran chấp nhận lùi bước và ngồi vào bàn đám phán về một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ còn là một thách thức đối với Mỹ.
Cả Washington lẫn Tehran đều biết rõ lệnh cấm vận mới của Mỹ nhằm vào Iran càng đè nặng lên kinh tế của quốc gia Hồi giáo này. Căng thẳng trong xã hội Iran có nguy cơ gia tăng vì đồng tiền mất giá và lạm phát. Những hứa hẹn phát triển cho kinh tế Iran nhờ thỏa thuận hạt nhân sẽ "chết yểu".
Từ trước khi lên cầm quyền, ông Trump đã đòi “xé nát” thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama cùng với đại diện của Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đã đặt bút ký kết ngày 15-7-2015 tại Vienna (Áo). Dù thỏa thuận hạt nhân với Tehran không hoàn hảo nhưng ít ra văn bản này bảo đảm là Iran sẽ không chế tạo bom nguyên tử như Triều Tiên. Từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến Liên minh châu Âu hay Nga và Trung Quốc đều công nhận chính quyền của Tổng thống Rohani đã tôn trọng thỏa thuận Vienna nhưng ngày 8-5 vừa qua, Nhà Trắng chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, đồng thời gia hạn 180 ngày cho thế giới tuân thủ các trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Washington không che giấu mục tiêu sau cùng là đạt được một thỏa thuận mới về hạt nhân với Tehran. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Mỹ lại liên tục đưa ra nhiều thông điệp khác nhau. Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ John Bolton nêu lên khả năng “thay đổi chế độ” ở Tehran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo lại đưa tuyên bố đối lập rằng Iran cần biết Mỹ “sát cánh với họ”. Nhưng rồi chính Tổng thống Donald Trump sau khi đã có những lời lẽ rất gay gắt đe dọa Iran, lại thản nhiên thông báo ông để ngỏ cánh cửa đối thoại. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại trấn an cộng đồng quốc tế rằng Washington không chủ trương lật đổ chế độ ở Tehran.
Một số nhà phân tích đề cập tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Ngược lại, một số khác nhận thấy trong hồ sơ hạt nhân Iran, dường như ông Trump muốn áp dụng chiến thuật tương tự như với Triều Tiên. Nghĩa là dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, làm gia tăng căng thẳng, để rồi dịu giọng, chìa bàn tay thân thiện, tổ chức cuộc họp thượng đỉnh nặng phần khuếch trương và cuối cùng thông báo là đã đạt được thỏa thuận “tuyệt vời” với phía bên kia.
Liệu chiêu thức này có hiệu quả với Tehran như những gì ông Trump đã đạt được với Bình Nhưỡng hay không? Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Bởi thứ nhất, so sánh Triều Tiên và Iran hơi khập khiễng. Bình Nhưỡng đã có bom hạt nhân nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un điều hành một đất nước khép kín và bị cô lập với thế giới bên ngoài, ngoại trừ điểm tựa quan trọng là Trung Quốc. Trái lại Iran là một cường quốc tại Trung Đông. Ảnh hưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo này đã lan tỏa từ Yemen đến Liban và nhất là Syria. Chưa kể là chính quyền Tehran lại có nhiều quan điểm được Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ. Ẩn số thứ hai, ông Trump dùng lá bài cấm vận, khuấy động sự phẫn nộ của công luận Iran chống lại chính quyền nước này nhưng rất có thể nó sẽ phản tác dụng khi giúp người dân Iran đoàn kết hơn để đối mặt với một mối đe dọa từ bên ngoài.
Tổng thống Trump rõ ràng đang bị lôi cuốn với tham vọng sẽ tạo ra một thỏa thuận hạt nhân với Iran “lớn hơn, rộng hơn và tốt hơn” so với thỏa thuận dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Và ông Trump sẽ giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc ở Trung Đông, từ Syria đến Yemen, và đó sẽ là một viễn cảnh hấp dẫn đối với một bậc thầy đàm phán như ông. Tuy nhiên, với các cố vấn và quan chức nội các của Tổng thống, từ Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho đến Ngoại trưởng Mike Pompeo, mục tiêu của họ là làm suy yếu đáng kể hệ thống chính trị của Iran, hoặc thậm chí có khả năng thay đổi chế độ.
Nếu vậy, đây sẽ là một trong những sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ cuộc chiến ở Iraq. Một khi Iran quyết định chống lại các lệnh trừng phạt và tái khởi động chương trình hạt nhân, Israel hoặc Mỹ buộc lòng phải tấn công quân sự Iran và một tính toán sai lầm có thể gây ra một cuộc đối đầu thảm khốc cho cả khu vực.
Cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc, Nga và Ấn Độ
Lệnh trừng phạt của Mỹ tạo điều kiện cho các công ty không phải của phương Tây có cơ hội thế chân các công ty của phương Tây đang rút khỏi Iran. Bằng chứng rõ nhất là Tập đoàn Total của Pháp, từng tham gia ở vị trí dẫn đầu trong liên doanh khai thác mỏ khí đốt lớn nhất thế giới South Pars của Iran với tỷ lệ 50,1%, đã tuyên bố rút khỏi Iran để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Total cho biết hãng này buộc phải ngừng tất cả các giao dịch tại Iran trước ngày 4-11 theo yêu cầu của Mỹ. Chắc chắn các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ muốn thay thế Mỹ và châu Âu nhảy vào thị trường Iran. Một trong những đối tác của dự án South Pars là Công ty CNPC của Trung Quốc có khả năng lớn sẽ mua lại 50,1% cổ phần của Total. CNPC đang sở hữu 30% cổ phần tại dự án nên sau khi mua lại cổ phần của Total, công ty này sẽ trở thành nhà điều hành dự án. Ấn Độ cũng muốn nhảy vào hợp tác với Iran, trong khi Nga có thể giúp Iran xuất khẩu dầu thô. Rõ ràng sẽ có rất nhiều nước tranh thủ cơ hội để nhảy vào thị trường Iran thay thế cho các nhà đầu tư châu Âu cho dù Iran đang phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Do mức độ hội nhập với nền kinh tế Mỹ, người châu Âu có thể hạn chế trao đổi kinh tế với Iran. Nhưng ngược lại Nga, Trung Quốc và kể cả Ấn Độ sẽ có nhiều không gian hơn để duy trì các tuyến đường thương mại với Iran và giúp nước này có thể hạn chế những thiệt hại do “cơn bão trừng phạt” do Tổng thống Mỹ mang đến.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chắc chắn gây thiệt hại đáng kể cho Iran. Làn sóng trừng phạt đầu tiên không ảnh hưởng quá lớn vì các tác động tâm lý từ việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, việc trừng phạt nhắm vào khả năng xuất khẩu dầu của Iran - trái tim của nền kinh tế nước này - sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho Iran.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Iran đối mặt với sự trừng phạt, họ biết cách xử lý chúng. Chắc chắn rằng họ sẽ không hài lòng với tình hình kinh tế khó khăn và nhiều cuộc biểu tình lan rộng trên khắp đất nước. Tuy nhiên, các nguy cơ này “không được kết nối với nhau” và phe đối lập không có người lãnh đạo và không có sự thay thế khả thi nào đối với hệ thống chính trị. Chế độ Iran cũng có khả năng và ý chí đủ mạnh để trấn áp các “biến cố” này. Do đó, việc “chính phủ hoặc chế độ Tehran sẽ sụp đổ trong hai 2 năm tới” sẽ khó xảy ra.
Tuy nhiên, chính quyền Iran cũng sẽ phải thay đổi chính sách khi đất nước đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Do Iran đã chi hàng tỷ USD cho chiến tranh ở các nước như Yemen, Syria và Liban nên Iran đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế ngay cả khi Mỹ chưa tái áp đặt trừng phạt. Nếu Iran cố gắng đạt được thỏa thuận với chính quyền Mỹ, họ sẽ có cơ hội để cải thiện nền kinh tế và sẽ phải nhượng bộ theo một số cách khác.
Chính sách của Mỹ đối với Iran hiện nay chưa phải là chính sách tối ưu nhất chống Iran nhưng ở đây Washington nhìn thấy có sự khác biệt trên cơ sở các khác biệt về hệ tư tưởng bởi vậy để đạt được nhượng bộ với chính quyền Mỹ thì Iran sẽ phải trả một giá đắt về hệ tư tưởng cũng như về quan điểm chính trị. Hiện vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ về việc liệu Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei có hiểu được rằng nền kinh tế của Iran đang lâm vào khủng hoảng và khiến ông thay đổi quan điểm, chấp nhận đàm phán với Mỹ.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)