Lật lại vụ ám sát lãnh tụ V.I Lenin
Lãnh tụ V.I Lenin |
V.I Lenin- vị lãnh tụ làm thay đổi thế giới
Vladimir Ilyich Lenin sinh ngày 22-4-1870, xuất thân từ một gia đình trí thức tiến bộ - người tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười, khai sinh ra nhà nước Nga Xô Viết. Ông là lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản Nga. Lãnh tụ Lenin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Lenin tốt nghiệp ngành Luật, Đại học Petersburg, từ năm 1893 trở thành người lãnh đạo nhóm mác xít ở Saint Petersburg. Năm 1894, ông gia nhập Đảng Xã hội dân chủ Nga và là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga, tiền thân của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, một đảng vô sản kiểu mới lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và thực hiện sự nghiệp xây dựng CNXH tại Liên bang Xôviết, biến chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành thực tiến. Phát triển khẩu hiệu của Mác "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" thành "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!". Sau Cách mạng Tháng Mười, Lenin đã lãnh đạo những người Bônsêvích và nhân dân lao động Nga đấu tranh thắng thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, duy trì Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới tồn tại và phát triển. Lenin là người thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), nòng cốt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Bức tranh vụ mưu sát Lenin ngày 30-8-1918 lưu tại Bảo tàng Lenin ở Moscow. |
Dưới ngọn cờ của Lenin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành. Chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã.
Lenin qua đời ngày 21-1-1924 tại làng Gorki, Moskva, thi hài ông được đặt tại lăng ở Quảng trường Đỏ, Moskva cho tới nay. Tại nước Nga hiện nay, tên của ông được đặt cho một tỉnh của Nga, tỉnh Leningrad, nằm sát cố đô Saint Petersburg, nơi Lenin lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười. Thành phố quê hương Lenin được đặt tên là Ulyanovsk để tưởng nhớ tới dòng họ Ulyanov của gia đình ông.
Diễn biến vụ mưu sát năm 1918
Điệp viên nhị trùng Sidney Reilly. |
Theo những tài liệu này, sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, lo ngại Đảng Bônsêvích ký hiệp định đình chiến với Đức, nước Anh đã hạ mục tiêu ám sát Lenin để ngăn cản thỏa thuận. Theo hiệp định hòa bình nói trên, Lenin đưa ra quyết định rút quân khỏi mặt trận phía đông để tránh tổn thất do lực lượng đang ở thế yếu, suy tổn nặng nề. Điều này khiến Anh không khỏi lo ngại vì như vậy, sẽ giúp Đức mạnh hơn mặc dù đang phải dàn quân ra hai mặt trận, củng cố lại lực lượng ở phía tây và tiến gần đến lãnh thổ Anh. London tìm mọi cách cản thỏa thuận nhằm giữ chân Moscow tiếp tục tham chiến cùng phe Đồng minh, từ đây kế hoạch ám sát Lenin được thực thi gấp rút. Theo BBC, chiến dịch được giao cho Robert B. Lockhart, 30 tuổi nhân viên ngoại giao của Anh tại Moscow chỉ đạo thực hiện.
Để bạn đọc hiểu thêm về con người này, BBC cho hay Lockhart, người gốc Scotland, làm cho lãnh sự Anh ở Moscow năm 1912, kiêm điệp viên ngầm của Cục Tình báo đối ngoại Anh (SIS), tiền thân MI6 sau này. Ngay sau khi Hòa ước Brest-Litovsk được ký giữa Nga với Đức hồi tháng 3-1918, Lockhart được giao nhiệm vụ hạ sát Lenin với hy vọng chính quyền Bônsêvích sẽ sụp đổ, thay bằng một chính quyền hợp tác thân Anh chống lại Đức. Cùng với chiến dịch của Lockhart, Chính phủ Anh giao nhiệm vụ cho nhà văn Somerset Maugham, kiêm điệp viên ngầm. Maugham được chi tới 21.000 bảng Anh (khoảng 300 nghìn USD thời giá hiện nay) để hạ thủ Lenin, thông qua mối quan hệ với các nhà văn Nga và giới chức chóp bu Nga năm 1918 nhưng cuối cùng kế hoạch này cũng thất bại.
Điệp viên Robert B. Lockhart. |
Mùa hè năm 1918, Lockhart đã khẩn trương vào cuộc, móc nối với binh lính Latvia, những người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho lãnh đạo Kremlin để tìm liên minh chống lại những người Bônsêvích. Trong số này có một nhân vật chống Bônsêvích quyết liệt, tên là Savinkov. Ngay lập tức Lockhart điện về London với bút danh bá tước Curzon trình bày kế hoạch và được London đồng ý. Để thực thi, Lockhart còn được hỗ trợ bởi một điệp viên “máu lạnh” người Nga tên là Sidney Reilly. Reilly là người Ukraine gốc Do Thái, tên thật là Shlomo Rosenblum và sau là một doanh nhân thành đạt nhưng là điệp viên của Anh. Trong chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), Reilly từng là gián điệp nhị trùng, hai mang cho cả người Nhật lẫn người Anh.
Theo một trang tin của Nga, vào ngày 30-8-1918, Lenin đang phát biểu tại Xí nghiệp Búa và Liềm ở Moscow thì bị một phụ nữ trong đám đông rút súng ngắn bắn ba phát. Một sượt qua áo khoác, hai phát còn lại trúng cổ và vai trái. Đó là một phụ nữ trẻ 28 tuổi, Fanya Kaplan đã bị bắt tại chỗ. “Tôi làm việc này một mình do bị lưu đày lao động khổ sai 11 năm", Fanya Kaplan khai trước nhà chức trách.
Ngay sau sự kiện này, Eduard Berzin đã trở mặt với Reilly nhưng mọi người không biết Lực lượng an ninh mật của Nga (Cheka) đã phát hiện trước, Berzin buộc phải làm theo những gì mà Cheka đã lên kế hoạch. Cheka còn phát hiện thấy Reilly đang cố tình lẩn thoát bằng cách giả dạng nhân viên của Cheka, Lockhart sau đó đã bị bắt và khai ra tất cả.
Vụ sát hại lãnh tụ Lenin tạm khép lại, vào cuối năm 1918, Lockhart được thả về Anh để đổi lấy nhà ngoại giao của Nga bị Anh giam giữ tại London Maxim Litvinov. Cuối đời, Lockhart lại phủ nhận tham gia vụ mưu sát và đổ lỗi hết cho Reilly. Điều này đúng theo kịch bản đã được Chính phủ Anh đưa ra. Reilly sau khi bị Nga kết án tử hình vắng mặt, vẫn tiếp tục chống phá Bolshevik cho đến khi bị bắt lại tại Liên Xô vào tháng 9-1925 và bị tử hình trong tháng 11 cùng năm. Còn nữ hung thủ Fanya Kaplan đã bị tử hình sau khi vụ ám sát kết thúc tròn một tháng.
Duy Hùng
(Theo CIA/BBC/RBTH)
Ý kiến bạn đọc (0)