Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tăng trở lại
Lao động thi sát hạch tiếng Hàn tại Hà Nội để đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, tháng 5/2023. |
Ngày 24/11, báo cáo từ Trung tâm Lao động ngoài nước tại Hội thảo Thúc đẩy lao động đi làm việc theo chương trình phi lợi nhuận cho thấy 9 tháng trong năm 2023, số cư trú bất hợp pháp 34,5%, trong khi tỷ lệ cam kết với phía Hàn Quốc năm nay là 28%.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, tỷ lệ này giảm xuống còn 20%, đến năm 2022 tăng lên 28%. Các địa phương ghi nhận tỷ lệ cao dao động 33-37% có Hải Dương, Lạng Sơn, Nam Định, Vĩnh Phúc. Người cư trú bất hợp pháp thuộc diện đi theo Chương trình EPS - cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) lý giải tình trạng giảm trong giai đoạn dịch khi nhu cầu sản xuất, tuyển dụng của các nhà máy xuống thấp. Đến năm 2023, lượng người đi làm việc tại nước ngoài tăng, sản xuất trở lại bình thường, doanh nghiệp có nhu cầu thì tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cũng tăng theo.
"Nghĩa là có cầu thì ắt có cung, nên lao động thường tìm cách ở lại", ông nhận định.
Hai bên đã đưa ra nhiều biện pháp "chống trốn", như phía Việt Nam yêu cầu lao động ký quỹ 100 triệu đồng; ngừng đi làm việc tại nước ngoài 2- 5 năm; hạn chế thi năng lực tiếng Hàn. Phía Hàn Quốc quy định chủ doanh nghiệp nếu dùng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp sẽ bị hạn chế tuyển dụng trong 3 năm; lao động vi phạm có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền 30 triệu won. Hàn Quốc đồng thời xem xét lại hạn ngạch tuyển dụng năm tiếp theo cho quốc gia có nhiều lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc.
Nỗ lực của hai bên giúp giảm thiểu một phần, song vẫn ở mức cao hơn cam kết với Hàn Quốc. Việt Nam giảm dần danh sách địa phương bị tạm ngừng đưa lao động đi làm việc ngoài nước, song năm nay vẫn còn 8 huyện tại 4 tỉnh, thành phố.
"Lao động cư trú bất hợp pháp làm ảnh hưởng cơ hội xuất cảnh của đồng hương. Bởi một số huyện bị liệt vào danh sách tạm ngừng khiến nhiều lao động chờ đợi không biết khi nào mới được đi, ảnh hưởng gia đình, quê hương", ông Bùi Quốc Trình, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Dương, nhận định.
Việt - Hàn có hơn 30 năm hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Người đi lao động chủ yếu theo chương trình EPS, làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu. Mức lương lao động 36-40 triệu đồng. Người lao động phải trải qua hai vòng thi năng lực tiếng Hàn và tay nghề. Khởi động từ năm 2004, cho đến nay, chương trình đưa được hơn 127.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)