Lạng Giang xuân này vui hơn
Thanh niên Lạng Giang diễu hành tại Đại hội Thể dục thể thao huyện. Ảnh: Nguyễn Hưởng. |
Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ
Về bất kỳ miền quê nào trong tỉnh, nhất là những xã miền núi, cảm nhận đầu tiên về sự đổi mới đó là giao thông. Ở Lạng Giang cũng thế, tương lai sáng sủa khởi nguồn từ những con đường rộng dài, láng mịn chạy ngang dọc từ đầu làng đến cuối ngõ. Theo con đường bê tông vừa mới làm xong chưa lâu, tôi và chị Giáp Thị Nga, nữ cán bộ giao thông - xây dựng xã Đại Lâm đến nhà ông Nguyễn Văn Biên (SN 1959), thôn Đại Giáp. Ít ai biết, để có được con đường này, gia đình ông đã phải bỏ ra 75 triệu đồng đóng góp cùng với bà con.
Đứng ở góc sân gió lồng lộng thổi, nhìn ra phía trước, ánh mắt ông trào dâng những dự định mới khi có con đường bê tông chạy dài từ trục chính vào tận cổng. “Nhà tôi ở cuối cùng, trước kia là đường đất nhỏ hẹp, trời mưa nước từ trên núi ào xuống, xói lở hết, người đi bộ còn khó nói gì xe cộ. Diện tích đất vườn đồi mặc dù rộng 5 nghìn m2 nhưng quy hoạch trồng trọt chả đâu vào đâu. Sắp tới, tôi sẽ thiết kế lại cho ra tấm ra món”- Ông Biên vui vẻ trò chuyện. Chúng tôi đi một vòng quanh vườn, mấy cây bưởi Diễn thấp lè tè nhưng trĩu trịt quả vàng ươm, mùi thơm thoang thoảng. Hoa hồng, hoa đồng tiền đang mùa trổ bông, rung rinh khoe sắc. Hai cây đào phai cổ thụ trồng trước cổng Tết này chắc chắn dày đặc lộc, nụ, hoa… “Có thể những cây trồng này sẽ được tôi nhân rộng trên khu đất vườn đồi trong thời gian tới”- ông Biên nói.
Ông Vũ Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đại Lâm vừa đạt chuẩn NTM. Phải nói thêm là, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 -2020, xã chưa được giao về đích NTM. Thế nhưng khi có chủ trương của tỉnh, huyện, thay vì làm trong ba năm để hoàn thiện các tiêu chí thì Đại Lâm lại tăng tốc trong vòng…10 tháng. Một hội nghị toàn thể 198 đảng viên được triệu tập ngay sau khi có Nghị quyết của Đảng ủy về xây dựng NTM. Sau đó các chi bộ có nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thi đua, mỗi đảng viên là một hạt nhân tuyên truyền, vận động người dân và gia đình đồng thuận, tích cực đóng góp.
Một số thôn có cách làm sáng tạo là chủ động chia nhỏ các tuyến theo tổ, nhóm; mỗi tuyến cử một nhóm trưởng có uy tín phụ trách, sau đó các nhóm bàn giải pháp thực hiện. Các hộ trong nhóm có khó khăn, chưa đủ tiền đóng góp thì hộ khá hơn đứng ra ứng tiền để thi công. Khó khăn báo cáo với thôn và xã để có giải pháp tháo gỡ. Vì vậy trong vòng chưa đầy một năm, để cứng hóa hơn 21,2 km, một phong trào hiến đất, đóng góp tiền, ngày công nở rộ khắp thôn, xã. Thôn nọ thi đua với thôn kia, nhóm hộ này tăng tốc so với nhóm hộ khác tạo thành phong trào rộng khắp.
Cứng hóa đường giao thông là một trong những tiêu chí thực hiện khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay khi cần đến nguồn kinh phí lớn. Cách làm của Lạng Giang là huy động nguồn lực trong dân, chuyển từ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sang “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, làm những gì người dân cần. Vì vậy, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy đã thực hiện có hiệu quả cơ chế hỗ trợ 100% xi-măng làm đường giao thông nông thôn. Tương tự các tiêu chí khác cũng do nhân dân trực tiếp bàn bạc, trực tiếp làm và quản lý, giám sát; nhà nước hỗ trợ.
Một tuyến đường mới được bê tông tại thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm. |
Cán bộ nêu gương, lòng dân đồng thuận
Năm 2017, huyện Lạng Giang có hơn 4,3 nghìn hộ hiến 85 nghìn m2 đất, đóng góp gần 14 nghìn ngày công và gần 40 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, làm đường… Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt 113,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 35%. |
Với quan điểm xây dựng NTM phải lấy người dân làm chủ thể, BTV Huyện ủy Lạng Giang đã tập trung phát động phong trào thi đua, huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu từ lời nói đến việc làm, sâu sát cơ sở. Quá trình thực hiện, huyện, xã có đề án, kế hoạch, mục tiêu, lộ trình cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo ở mỗi cấp; đặc biệt chú trọng khâu tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội, trong nhân dân trước chủ trương, chính sách lớn của Đảng. "Sau khi khảo sát, đánh giá các tiêu chí rồi đưa ra bàn bạc, dự kiến kinh phí cần đến hàng nghìn tỷ đồng thì không ít cán bộ giật mình, thậm chí có nhận thức sai lệch, bàn lùi. Vì vậy tư tưởng “không có tiền là không làm được” phải được loại bỏ ngay trong suy nghĩ của những người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên" - Bí thư Huyện ủy Tạ Huy Cần nhấn mạnh. Điều này cho thấy sự quyết tâm của huyện trong tiến trình phấn đấu về đích năm 2020.
Với những bước đi cụ thể, rõ ràng, làm đâu chắc đó, có cơ chế chính sách kích cầu công khai, khen thưởng, động viên, hỗ trợ kịp thời, đến nay toàn huyện có 11/21 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch trong hai năm tới, huyện sẽ dồn lực mỗi năm có thêm 5 xã về đích. Mục tiêu này là có cơ sở bởi theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, khi cán bộ nêu gương, lòng dân đồng thuận thì việc gì khó cũng thành công.
Qua tâm sự của người đứng đầu cấp ủy huyện Lạng Giang, tôi hiểu được sức mạnh của lòng dân, sức mạnh của sự đồng thuận trong xã hội. Sức mạnh ấy đã và đang trở thành niềm nội lực cộng sinh, bồi đắp ý chí quyết tâm vượt khó để đưa Lạng Giang sớm trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh như nghị quyết đại hội đã đề ra.
Cùng với không khí thi đua lập thành tích chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập huyện dự kiến diễn ra vào ngày 25-3 tới, xuân này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang chắc chắn sẽ vui hơn.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)