Lạng Giang: Liên kết sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế tập thể
Xuất phát từ nhu cầu liên kết, hỗ trợ của các gia đình chăn nuôi gà trên địa bàn xã Hương Sơn, tháng 8/2021, HTX Gà núi Hương Sơn được thành lập với 11 thành viên. Chăn nuôi theo mô hình "gà thả đồi", hiện HTX thường xuyên duy trì tổng đàn khoảng 30 nghìn con/lứa. Dịp Tết vừa qua, lượng gà thương phẩm của HTX là hơn 7 nghìn con và đã được tư thương đặt mua.
Xã viên HTX Cây ăn quả Quang Thịnh trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Ông Dương Văn Thân, thành viên HTX chia sẻ: "Được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc gà an toàn sinh học, đi tham quan học tập kinh nghiệm và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp chúng tôi yên tâm hơn trong chăn nuôi". Nhằm giúp sản phẩm Gà núi Hương Sơn phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cho người dân, địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm này.
Được thành lập từ năm 2020, HTX Cây ăn quả Quang Thịnh đã tăng cường đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường. HTX có hơn 200 xã viên với diện tích trồng bưởi gần 50 ha, trong đó 20 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện giống cây bưởi có sẵn đang được các hộ trồng và chăm sóc là giống bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc. Trung bình mỗi năm, sản lượng bưởi của HTX cung cấp ra thị trường khoảng 4 nghìn tấn quả, mang lại doanh thu 2,5 tỷ đồng.
HTX cũng đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi Quang Thịnh”. Ông Ong Khắc Vui, Giám đốc HTX Cây ăn quả Quang Thịnh cho biết: "Thời gian qua, HTX tích cực kết nối các xã viên tổ chức, tham gia nhiều buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất áp dụng quy trình VietGAP; kiểm tra, ứng dụng zalo để thông tin tới các thành viên về thời vụ chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình, sử dụng phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng".
Đây chỉ là hai trong số nhiều HTX nông nghiệp được Hội Nông dân huyện Lạng Giang tuyên truyền, vận động thành lập những năm qua. Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: "Hội xác định công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế HTX là nhiệm vụ quan trọng gắn với củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.
Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, căn cứ tình hình thực tế ở cơ sở, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp UBND các xã, các cơ quan chuyên môn của huyện để hỗ trợ thành lập các HTX theo đúng quy định".
Thống kê từ năm 2014 đến nay, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động thành lập 17 HTX. Các HTX đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương. Tiêu biểu như các HTX: Nấm dược liệu Anh Tú; Dứa sạch Hương Sơn; Chế biến rau, quả Tân Thanh; Nuôi trồng thủy sản Đại Lâm...
Để nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế HTX, Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất...
Nhờ vậy, các HTX sau khi thành lập cơ bản đã phát huy vai trò của mình trong việc liên kết sản xuất. Nhiều HTX đã đứng lên tổ chức mua vật tư với số lượng lớn rồi hỗ trợ trước cho thành viên để giảm chi phí, đến khi thu hoạch đứng ra kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như HTX Nuôi trồng thủy sản Đại Lâm với 15 thành viên được thành lập từ tháng 9/2021. Các thành viên khi tham gia vào HTX đều là những hộ gia đình có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc cá và mạnh dạn bỏ vốn đầu tư các thiết bị phục vụ thủy sản như guồng đảo nước, hệ thống cho ăn tự động...
Các thành viên trong HTX cũng giới thiệu thương lái thu mua cá cho nhau mỗi khi có gia đình đến kỳ thu hoạch. Tuần trước, gia đình anh Dương Đăng Mạnh, Giám đốc HTX vừa bán 16 tấn cá cho thương lái trong và ngoài tỉnh, với giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 250 triệu đồng.
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, việc thành lập HTX khi có đủ điều kiện sẽ tạo được một mối liên kết vững chắc, giúp nông dân giảm thiểu những chi phí không cần thiết, gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người trực tiếp sản xuất. Bên cạnh những kết quả ban đầu, các HTX vẫn còn gặp những khó khăn chung như: Thiếu vốn cho sản xuất, việc chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...
Khắc phục khó khăn, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho các thành viên HTX, hội viên nông dân về kiến thức sản xuất, kinh doanh. Mặt khác quan tâm tới việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sau thu hoạch để giúp các HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)