Làm gì để đảng viên giữ mối liên hệ mật thiết với nơi cư trú? - Bài 3: Giải pháp cho sự gắn kết toàn diện
Để giữ mối liên hệ mật thiết với nơi cư trú, tạo sự gắn kết toàn diện cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 chủ thể trong thực hiện Quy định 213.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên
Kết quả thực hiện Quy định 213 không chỉ là bắt buộc trong công tác kiểm điểm hằng năm mà còn là cơ sở quan trọng để tổ chức đảng nơi công tác đánh giá đảng viên một cách toàn diện, chính xác hơn, làm căn cứ xét khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ… Nếu coi nơi công tác là môi trường để đảng viên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành thì nơi cư trú là nơi “tối lửa tắt đèn có nhau” gắn bó với mỗi người suốt cả cuộc đời. Vì vậy, ở góc độ cá nhân, mỗi ĐV 213 cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của cả hai tổ chức đảng nơi công tác và nơi cư trú, từ đó thể hiện tinh thần gương mẫu, ý thức trách nhiệm của mình.
Đối thoại giữa Đảng ủy phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) với đảng viên 213 trên địa bàn. |
Là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Yên, ngoài tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt ĐV 213 tại Chi bộ thôn Ngọc Lợi, xã Ngọc Châu (Tân Yên), đồng chí Trịnh Ngọc Minh còn thường xuyên giữ mối liên hệ với các đồng chí trong Chi ủy nhằm chia sẻ thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới về công tác tư tưởng, giúp Chi bộ triển khai kịp thời đến đảng viên. Với kinh nghiệm, hiểu biết của mình trên lĩnh vực công tác, đồng chí phối hợp cùng Chi ủy, Ban công tác mặt trận thôn sưu tầm, biên soạn, phát hành cuốn "Lịch sử làng Ngọc Lợi" làm tài liệu tuyên truyền trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống quê hương mình.
“Tham gia công việc của làng, tôi thấy vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự. Việc gắn bó, góp sức như vậy cũng là cách để thể hiện mối liên hệ chặt chẽ của bản thân với nơi cư trú”- đồng chí Minh chia sẻ. Tương tự, bài học về phát huy vai trò, tranh thủ trí tuệ của đảng viên đang công tác ở Tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép (Lạng Giang) trong xây dựng nông thôn mới cũng là kinh nghiệm để các ĐV 213 tham khảo, từ đó cống hiến, đóng góp và gắn kết hơn với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi mình sinh sống.
Thực tiễn cho thấy, đội ngũ đảng viên đang công tác phần lớn được đào tạo bài bản, có chuyên môn và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu phát huy tốt vai trò của lực lượng này, mỗi địa phương sẽ tranh thủ thêm được một nguồn lực chất lượng, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển chung của quê hương. Được biết, quá trình xây dựng huyện nông thôn mới ở Yên Dũng, hàng trăm ĐV 213 đang làm việc tại các phòng, ban, cơ quan của tỉnh, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng các dự án, chủ động hiến đất làm đường, công trình phúc lợi. Trực tiếp đóng góp cả về vật chất và trí tuệ; tư vấn, thiết kế, giám sát thi công các công trình cho thôn, xã, góp phần giảm đáng kể chi phí xây dựng.
Từ những việc làm trên, có thể khẳng định để có sự gắn kết thực sự bền chặt, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐV 213 là giải pháp đặc biệt quan trọng. Triển khai hiệu quả giải pháp này, đồng chí Ngô Văn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: "Mỗi cấp ủy phải đánh giá đúng mức và khơi gợi được tiềm năng của đảng viên. Tổ chức thật tốt việc sinh hoạt với đội ngũ này bảo đảm hợp lý về thời gian, địa điểm, nội dung sát thực, gần gũi, tránh đơn điệu, tránh cung cấp thông tin một chiều. Thậm chí, nếu cần thiết có thể tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề. Chẳng hạn, khi triển khai một công trình xây dựng, có thể rà soát mời những ĐV 213 công tác ở lĩnh vực tương đồng về dự họp để tranh thủ ý kiến, tư vấn của họ".
Quản lý, nhận xét cần chặt chẽ, khách quan
Có một thực tế là tại các đợt đánh giá, kiểm điểm cuối năm, hầu hết ĐV 213 đều được cấp ủy nơi cư trú nhận xét tốt, thậm chí đề nghị biểu dương. Tuy nhiên chưa có sự góp ý thẳng thắn, chân tình về những khuyết điểm, hạn chế của đảng viên. Một số nơi không họp chi ủy, ban công tác mặt trận để thống nhất. Việc đánh giá chủ yếu do cá nhân đồng chí bí thư chi bộ thực hiện dẫn đến đại khái, có phần chiếu lệ, cả nể.
Khắc phục hạn chế này, để việc đánh giá ĐV 213 không chỉ cho “đẹp” hồ sơ, cấp ủy nơi đảng viên cư trú cần thực hiện khách quan, chặt chẽ quy trình nhận xét đảng viên, không qua loa, né tránh. Làm tốt điều này, ĐV 213 sẽ nhận thấy rõ hơn vai trò của cấp ủy nơi cư trú để hình thành cho mình thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, chân thành hơn trong việc giữ mối liên hệ.
Tìm hiểu ở Đảng bộ thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) - nơi có 561 ĐV 213 sinh hoạt cho thấy, thực hiện Quy định 213, Đảng ủy yêu cầu các chi bộ hàng năm duy trì nghiêm 2 kỳ sinh hoạt (6 tháng và cuối năm). Việc nhận xét cuối năm cho đội ngũ này được thực hiện theo quy trình: Cấp ủy chi bộ tổng hợp, đánh giá; Ban công tác mặt trận tổ dân phố tham gia góp ý. Những trường hợp có biểu hiện chưa nghiêm túc hoặc dấu hiệu vi phạm được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu. Sự chặt chẽ này giúp các cấp ủy nhận xét khách quan, chính xác đối với từng đảng viên đang thực hiện giữ mối liên hệ tại địa phương.
Được biết, cách đây 2 năm, Chi ủy Chi bộ Đình Giã từng nhận xét ở mức thấp nhất đối với trường hợp đảng viên là phó hiệu trưởng của một trường học trên địa bàn huyện, cùng đó trực tiếp mời cấp ủy chi bộ nơi công tác đến làm việc để chỉ rõ tồn tại của đảng viên này. Hay như mới đây, khi nhận xét cho một trường hợp cán bộ lãnh đạo đang làm quy trình để bổ nhiệm lại, Chi ủy Chi bộ Phố Bùi phối hợp với Ban công tác mặt trận tổ chức góp ý, bỏ phiếu bình xét. Kết quả 5/9 đồng chí đánh giá ở mức kém, số phiếu còn lại xếp mức trung bình do đồng chí này có uy tín thấp, ít tham gia vào các công việc chung của tổ dân phố…
Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: “Sau những nhận xét như vậy, các ĐV 213 có khuyết điểm, hạn chế đã nhận thức đầy đủ, kịp thời và sớm sửa chữa, có chuyển biến tích cực hơn trong việc giữ mối liên hệ với cấp ủy, nhân dân nơi cư trú. Rõ ràng, việc đánh giá nghiêm túc đã góp phần tạo nên kết quả ấy”.
Qua khảo sát, tìm hiểu ở nhiều chi bộ, một giải pháp quan trọng khác để siết chặt công tác quản lý ĐV 213 cũng là góp phần khắc phục những biển hiện nể nang, xuê xoa trong nhận xét, đánh giá, đó là cấp ủy nơi cư trú nghiên cứu, phân công nhiệm vụ cho đảng viên của chi bộ mình theo dõi, nắm bắt từng nhóm đảng viên công tác tại các cơ quan sinh sống trên địa bàn.
Đồng chí đảng viên được phân công định kỳ sẽ có báo cáo tổng hợp về ưu, khuyết điểm của các đảng viên này dịp cuối năm hoặc dịp cần thiết, làm cơ sở để cấp ủy có đủ thông tin đánh giá việc giữ mối liên hệ. Cách làm này sẽ khắc phục tình trạng quá tải, áp lực cuối năm trong nhận xét, đánh giá, nhất là đối với những chi bộ có số lượng ĐV 213 đông.
“Kéo” hai cấp ủy gần nhau hơn
Lâu nay, khi thực hiện Quy định 213, phần lớn mới dừng ở việc đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với địa phương. Sự kết nối giữa cấp ủy nơi công tác và cấp ủy nơi cư trú hầu như chưa có, sự "hiệp đồng" để cùng quan tâm, nắm bắt, xử lý nhất là những đảng viên có biểu hiện vi phạm còn lỏng lẻo.
Các đồng chí Hoàng Thế Văn, Bí thư Chi bộ thôn Long Khánh, xã Trí Yên (Yên Dũng); Nguyễn Văn Chinh, Bí thư Chi bộ thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam) và rất nhiều bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố khác chia sẻ: “Hằng năm chi ủy vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm đánh giá, nhận xét đối với ĐV 213 nhưng không mấy khi nhận được phản hồi từ cấp ủy nơi đảng viên công tác, kể cả khi nhận xét ở mức độ thấp. Thông tin một chiều như vậy khiến chúng tôi nắm bắt không đầy đủ về quá trình công tác của đảng viên đang thực hiện giữ mối liên hệ”.
Vậy nên mới có chuyện đảng viên ở cơ quan thì tốt mà về địa phương lại chưa nghiêm túc, chấp hành quy định không bằng quần chúng mà cấp ủy nơi công tác không hề hay biết hoặc ngược lại dẫn đến việc nhận xét, đánh giá cán bộ không toàn diện. Như trường hợp một đảng viên công tác trong ngành thuế sinh hoạt ĐV 213 tại Chi bộ Tổ dân phố Dốc Đồn, thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Đảng viên này uống rượu say, có quan hệ nam nữ bất minh nhưng cấp ủy nơi công tác không biết để có hình thức xử lý theo quy định của Đảng.
Thực tế này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi hai cấp ủy phải "xích lại" gần nhau hơn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thân Minh Quế, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan tỉnh chia sẻ: Việc lấy ý kiến nơi cư trú có thể thực hiện thường xuyên hằng năm. Tuy nhiên, nếu thấy đảng viên có biểu hiện chưa tốt, cấp ủy nơi công tác cần có giấy giới thiệu về cấp ủy nơi cư trú để xin ý kiến nhận xét, đánh giá sâu kỹ hơn.
Khi đánh giá, nhận xét để quy hoạch, bổ nhiệm, cấp ủy nơi công tác cần giới thiệu cán bộ về trực tiếp nghe cấp ủy nơi cư trú tham gia ý kiến nhận xét về cán bộ, đảng viên của mình. Như vậy vừa có sự đánh giá toàn diện, vừa tạo được sự kết nối hai chiều giữa cấp ủy nơi công tác và cấp ủy nơi cư trú. Qua đó kịp thời khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với những công việc của dân nơi cư trú; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hoá”.
Ý kiến bạn đọc (0)