Làm gì để đảng viên giữ mối liên hệ mật thiết với nơi cư trú? - Bài 2: Còn đó những tồn tại, bất cập
Thực hiện yêu cầu này, nhiều cấp ủy có cách làm sáng tạo, góp phần tạo nên sự kết nối hiệu quả. Tuy nhiên, không ít nơi, tính gắn kết giữa 3 chủ thể: Cấp ủy nơi cư trú - đảng viên - cấp ủy nơi công tác còn có biểu hiện hình thức, chiếu lệ.
Số lượng đảng viên dự họp còn khiêm tốn
Theo Quy định, ĐV 213 phải tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ; tích cực tham gia các cuộc họp khác do cấp ủy nơi cư trú triệu tập song khi được triệu tập, số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt vẫn còn khiêm tốn, không ít đảng viên tham dự mang tính chất đối phó. Một năm có hai cuộc họp định kỳ với chi bộ nơi cư trú mà nhiều đảng viên viện đủ lý do để xin vắng, có đảng viên vắng không lý do. Có đảng viên viện cớ gia đình có hai vợ chồng cùng là ĐV 213 thì chỉ cần 1 người đi họp là đủ.
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của các ĐV 213 công tác tại Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, nhà văn hóa Tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép (Lạng Giang) được thi công bảo đảm tiến độ. |
Bên cạnh đó, việc tham gia sinh hoạt chưa nhiệt tình, tích cực, cứ “đến hẹn lại lên” với tư tưởng “đi để điểm danh cho có mặt” chứ chưa thể hiện được tính chủ động theo tinh thần cốt lõi của Quy định 213. Trên thực tế, không ít đảng viên giữ mối quan hệ với cơ sở còn “lạnh nhạt”, chủ yếu là về cơ sở đóng góp an sinh xã hội, tham gia sinh hoạt tổng kết năm, đại hội…Tại các cuộc họp, chỉ có số ít ĐV 213 (chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị) nêu ý kiến tham gia thiết thực, giúp các cấp ủy nơi cư trú đề ra những chủ trương, giải pháp hiệu quả.
Cũng còn không ít đảng viên đi công tác ra ngoài xã hội nhưng về nơi cư trú không thể hiện được sự hòa đồng với bà con lối xóm, thậm chí việc chấp hành quy định không bằng quần chúng. Đơn cử như đảng viên T công tác tại một ngành của tỉnh, sinh hoạt ĐV 213 ở Chi bộ Tổ dân phố Tiền Tiến, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang).
Khi thành phố có chủ trương mở rộng tuyến đường Hồ Công Dự qua địa bàn, Chi bộ, Ban công tác mặt trận vận động các hộ hiến đất, lùi một phần diện tích để lấy mặt bằng thi công. Trong khi hầu hết hộ dân, quần chúng đồng thuận ủng hộ thì đảng viên T nhất quyết không đồng ý với lý do phần diện tích này là lán để ô tô. Việc làm này của đảng viên T gây bức xúc trong quần chúng.
Là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, có 48 năm tuổi Đảng, 21 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Dốc Đồn, thị trấn Chũ (Lục Ngạn), ông Lãnh Văn Việt thẳng thắn chia sẻ: “Quy định đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ nơi cư trú là rất cần thiết. Nếu thực hiện đúng sẽ góp phần hỗ trợ nguồn lực chất lượng cho chi bộ thôn, tổ dân phố, tạo sự giao lưu gắn kết giữa các thế hệ đảng viên. Song, có một thực tế là nhiều ĐV 213 chỉ thực sự “liên hệ” khi cần xin nhận xét đảng viên cuối năm để nộp cho cấp ủy nơi công tác theo quy định. Việc tham gia ý kiến đóng góp nhằm xây dựng chi bộ nơi cư trú, địa bàn dân cư còn khiêm tốn”.
Một vấn đề tồn tại khác đó là lâu nay trong nhận xét đối với ĐV 213 chưa thể hiện được ý kiến của tập thể chi ủy nơi cư trú mà chủ yếu do đồng chí bí thư chi bộ xác nhận. Đặc biệt, việc nhận xét hàng năm hoặc nhận xét để quy hoạch, bổ nhiệm vẫn thường do đảng viên đang công tác tự liên hệ với cấp ủy nơi cư trú thay vì chi bộ nơi đảng viên đó làm việc phân công người đến xin xác nhận.
Điều này vô hình chung dẫn đến sự xuê xoa, dễ dãi, cả nể, bỏ qua những biểu hiện suy thoái được chỉ ra trong Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), thậm chí bỏ sót không ít trường hợp đảng viên vi phạm mà cấp ủy hay hàng xóm không biết. Trong vấn đề này, trách nhiệm rõ ràng thuộc về cả cấp ủy nơi công tác và cấp ủy nơi cư trú đã chưa thể hiện được sự sát sao, chặt chẽ trong đánh giá cán bộ, đảng viên của mình.
Đáng chú ý, đây đó còn có trường hợp đại diện cấp ủy địa phương tỏ ra “khó chịu” mỗi khi ĐV 213 đến đề nghị nhận xét, đánh giá để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… nhất là ở nơi có số lượng ĐV 213 đông. Trong khi ĐV 213 đang rất cần để hoàn thiện hồ sơ nhưng cố tình viện lý do kéo dài thời gian hoặc ngược lại gây trở ngại, khất lần khất lữa khiến ĐV 213 phải đi lại nhiều lần.
Nội dung sinh hoạt thiếu hấp dẫn
Mới đây, Đảng ủy phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Đảng ủy, chính quyền phường đối với các ĐV 213. Trong báo cáo đánh giá, Đảng ủy thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế thuộc về trách nhiệm của cấp ủy chi bộ tổ dân phố. Trong đó, số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt vẫn còn ít, nội dung sinh hoạt của một số chi bộ còn hình thức, chuẩn bị chưa tốt, sơ sài, thiếu cụ thể, thiết thực.
Trên thực tế, không ít đảng viên giữ mối quan hệ với cơ sở còn “lạnh nhạt”, chủ yếu là về cơ sở đóng góp an sinh xã hội, tham gia sinh hoạt tổng kết năm, đại hội…Tại các cuộc họp, chỉ có số ít ĐV 213 (chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị) nêu ý kiến tham gia thiết thực, giúp các cấp ủy nơi cư trú đề ra những chủ trương, giải pháp hiệu quả. |
Hầu hết các cuộc họp thường diễn ra ngắn gọn, nội dung sinh hoạt chủ yếu là cấp ủy nơi cư trú báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh của địa phương. Hàm lượng thông tin và dung lượng đánh giá về kết quả, đóng góp của ĐV 213 ít. Điều này dẫn đến việc chưa phát huy được tiềm năng, trí tuệ của đảng viên đang công tác. Có cấp ủy chi bộ còn tập trung quá nhiều về việc vận động ĐV 213 đóng góp tài chính, khiến các đảng viên có tâm lý e ngại khi được cấp ủy mời sinh hoạt...
Về điều này, đồng chí Phùng Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy phường trao đổi: “Đảng ủy đã quán triệt các chi bộ phải ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, ĐV 213 tham gia cùng địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội hay xây dựng các công trình phúc lợi, không được lạm dụng. Chỉ khi nào thực sự thấy cần thiết mới vận động đóng góp và phải được sự nhất trí về chủ trương của Đảng ủy; thu trên tinh thần tự nguyện và tùy theo điều kiện thực tế, bảo đảm công khai thu-chi cho mọi người được biết”.
Thực tế, những tồn tại, hạn chế như trên cũng là thực trạng chung tại rất nhiều đảng bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ngoài mỗi năm một lần họp, báo cáo về tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, sau đó là bữa liên hoan thì hầu hết sự liên hệ còn lại chỉ nằm ở việc đóng góp kinh phí. Sửa đôi chút một vài công trình nhỏ, mua sắm thêm bàn ghế cho nhà văn hóa, đóng góp các loại quỹ, ĐV 213 cũng được kêu gọi đi đầu, đóng góp cao hơn hẳn những trường hợp khác.
Bản thân những người thực hiện bài viết này cũng từng ít nhiều ở trong tình huống tương tự. Thậm chí, có nơi khi ĐV 213 về xin ý kiến nhận xét cấp ủy nơi cư trú để thực hiện quy trình công tác cán bộ (bổ nhiệm lãnh đạo), nhẹ thì gợi ý lạng chè, bao thuốc lá, thậm chí có cấp ủy còn có quy định bất thành văn là đóng góp cho quỹ địa phương một số tiền nhất định. Đơn cử như nhiều năm trước, ở một số chi bộ, ĐV 213 cần có nhận xét đánh giá để xem xét bổ nhiệm chức vụ trưởng, phó phòng còn phải đóng góp từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng bổ sung vào Quỹ Chi bộ mà không có giấy tờ, biên nhận.
Một vấn đề bất cập khác là lâu nay, sự liên hệ giữa 3 chủ thể trên chỉ nằm trong khuôn khổ một tờ giấy A4. Việc nhận xét theo mẫu biểu mới, chủ yếu là tích vào ô trống có sẵn vô hình chung tạo ra sự hình thức. Ưu điểm là nhanh gọn, thuận tiện, dễ làm, giảm áp lực cho cấp ủy nơi cư trú dịp cuối năm (nhất là những cấp ủy chi bộ ở các phường thuộc Đảng bộ TP Bắc Giang, nơi có số lượng ĐV 213 lên đến cả nghìn người).
Vậy nhưng, sự thực phiếu ghi nhận xét này lại rất ít “chất” khiến cấp ủy cơ quan quản lý đảng viên thiếu yếu tố cần thiết để có thể đánh giá được đảng viên của mình một cách chuẩn xác nhất. Đảng viên Đ.V.K công tác tại một doanh nghiệp ở Hà Nội, sinh hoạt tại Đảng bộ một phường thuộc TP Bắc Giang chia sẻ: “Mỗi năm một lần họp và một lần xin ý kiến nhận xét bằng việc tích vào ô trống của cấp ủy nơi cư trú khiến mối liên hệ chỉ đơn thuần để đủ hồ sơ đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm. Như vậy cấp ủy nơi chúng tôi làm việc khó nắm bắt được việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương”.
Ý kiến của đồng chí Đ.V.K cũng là điều bất cập và tương đối phổ biến hiện nay. Điều này dẫn đến việc mối liên hệ giữa cấp ủy nơi cư trú và cấp ủy nơi công tác của đảng viên gần như “mất tín hiệu”. Thiếu sự gắn kết đó nên một vài biểu hiệu chưa gương mẫu của đảng viên có thể được nhắc nhở nhẹ nhàng, xuê xoa khi cấp ủy nhận xét, đánh giá. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, đảng viên có những vi phạm tại đơn vị công tác nhưng cũng không được thông tin kịp thời với cấp ủy địa phương. Việc nhận xét, đánh giá khi có yêu cầu vì vậy không được toàn diện. Thậm chí khi tiến hành quy trình xử lý, kỷ luật, nhiều cấp ủy nơi công tác chưa liên hệ với cấp ủy nơi cư trú để có nhận xét, đánh giá chính xác về cán bộ, đảng viên của mình…
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)