Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng
Điển hình như trong các năm 2018, 2019 đã thực hiện bồi thường, GPMB các dự án: Xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài hơn 19 km, diện tích đất thu hồi hơn 140 ha của gần 3 nghìn hộ gia đình, cá nhân, qua địa bàn 4 xã Tân Dĩnh, Xương Lâm, Tân Hưng và Hương Sơn, ảnh hưởng tới hơn 200 hộ gia đình có đất ở, trong đó có hơn 100 hộ phải tháo dỡ nhà ở và 66 hộ phải bố trí tái định cư với 72 lô đất ở mới; đường trục Vôi - Xương Lâm với diện tích thu hồi 11,6 ha của 291 hộ gia đình, đi qua địa bàn 3 xã: Xương Lâm, Yên Mỹ và thị trấn Vôi… Các dự án đều nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, không phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Có được kết quả trên là do sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn, các khu dân cư và đặc biệt là việc thực hiện các phương án GPMB được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ.
Đại biểu Trần Thị Huyền thảo luận tại hội trường. |
Có những dự án, huyện đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn đến các hộ tuyên truyền, vận động; nhiều đoàn phải chia nhỏ đến từng nhà, gặp từng người theo phương án một kèm một: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân vận động đoàn viên, hội viên theo phương châm: Dễ làm trước, khó làm sau; gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, hộ nhân dân làm sau để tạo phong trào. Đối với những trường hợp cá biệt, khó vận động thì cử người có uy tín đến để vận động, thuyết phục.
Thời gian tới, theo kế hoạch phát triển KT-XH của huyện giai đoạn 2020-2025, còn nhiều dự án trọng điểm đầu tư vào địa bàn như các dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp với quy mô hàng chục, hàng trăm ha... Để các dự án triển khai bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng công tác GPMB, đại biểu Trần Thị Huyền đề xuất một số giải pháp cụ thể: Phải bảo đảm năng lực tài chính trước khi thực hiện dự án, tránh trường hợp nhân dân đồng thuận mà chưa có tiền để chi trả dễ nảy sinh tâm lý không tốt trong nhân dân. Công tác bồi thường, GPMB phải được triển khai thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục, phải công khai, minh bạch, áp dụng đúng, đủ các chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước. Trong quá trình triển khai luôn phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân.
Người làm công tác bồi thường, GPMB phải có năng lực, trình độ, được trang bị đầy đủ kiến thức, am hiểu các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước để kịp thời giải đáp các thắc mắc của người dân và đề xuất hướng giải quyết vướng mắc khi thực hiện. Việc kiểm đếm, lập phương án đền bù chính xác, bố trí tái định cư sớm và kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân là những vấn đề then chốt quyết định đến sự thắng lợi của công tác GPMB.
UBND cấp xã thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở tuyên truyền về mục đích của dự án, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, GPMB; tập trung xác định các thông tin về: Nguồn gốc sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, loại đất, thời điểm sử dụng đất, thời điểm tạo lập tài sản trên đất của người có đất khi Nhà nước thu hồi và các thông tin về đối tượng chính sách.
Khi có vướng mắc cần tập trung vận động, tuyên truyền, giải thích rõ ràng. Công tác vận động cần kiên trì, chia nhỏ đến từng gia đình, từng con người cụ thể và gắn trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân.
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc (0)