Kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình
Nhiều gương sáng
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện Lục Ngạn được bố trí hơn 570 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án. Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ 200 hộ dân làm nhà ở, 330 hộ thiếu đất sản xuất được chuyển đổi nghề, 650 hộ được hưởng dự án nước sinh hoạt phân tán. Cùng đó, triển khai xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Phong Minh; đầu tư 31 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu tại xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã Sơn Hải đi Hộ Đáp, đường giao thông xã Tân Sơn đi xã Hữu Kiên (Lạng Sơn)…
Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình anh Nguyễn Văn Đương, thôn Héo A, xã Hộ Đáp có điều kiện xây nhà mới. |
Ghi nhận tại xã Hộ Đáp - điểm sáng trong thực hiện chương trình cho thấy, để các dự án được triển khai sớm, đúng đối tượng, Ban Quản lý các chương trình mục tiêu xã họp, đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng thành viên. Đặc biệt để chính sách đến đúng đối tượng, địa phương tổ chức rà soát từng trường hợp, cử cán bộ hỗ trợ các gia đình trong diện hưởng lợi từ chương trình bổ sung, hoàn thiện thủ tục hồ sơ liên quan. Đến nay, toàn xã có 22 hộ được hỗ trợ về nhà ở, 30 hộ chuyển đổi nghề, 4 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán…
Anh Nguyễn Văn Đương, thôn Héo A nói: “Được hỗ trợ 44 triệu đồng cùng các hội, đoàn thể địa phương giúp đỡ ngày công, vợ chồng tôi có điều kiện xây nhà mới thay thế nhà vách đất. Ở trong nhà mới, gia đình không còn nơm nớp lo mỗi khi mưa bão, yên tâm sinh sống, làm việc”.
Là huyện miền núi, Lục Ngạn có 8 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 51,1%, chủ yếu là người Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa. Một số thôn có 100% số hộ là người DTTS như: Khuôn Trang (Hộ Đáp), Na Lang (Phong Minh), Muối (Giáp Sơn), Suối Chạc (Phong Vân)... Xác định xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến góp phần tạo động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong huyện đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo điều kiện để hạt nhân phát huy tính sáng tạo, năng động.
Tại hầu hết các địa phương, lĩnh vực đều xuất hiện những điển hình, gương sáng. Trường hợp Đại uý Diệp Đình Phương (SN 1991), dân tộc Sán Dìu, Trưởng Công an xã Kiên Thành là một ví dụ. Để giữ vững an ninh trật tự địa bàn, anh thường xuyên “3 cùng” với đồng bào, trực tiếp vận động người dân đóng góp kinh phí lắp đặt 72 camera an ninh tại các thôn trong xã. Nhiều vụ trộm cắp tài sản, va chạm giao thông được phát hiện, xử lý kịp thời.
Hay như anh Ma Văn Mùi, dân tộc Tày, thôn Giàng, xã Phong Minh phát triển mô hình nuôi ngựa bạch mang lại thu nhập cao; anh Trần Văn Hành, dân tộc Sán Dìu, thôn Chão, xã Giáp Sơn được nông dân cả nước biết đến với kỹ thuật cho cây vải thiều ra quả trên thân; cô giáo Đặng Thị Hiên, dân tộc Nùng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện bồi dưỡng, đào tạo nhiều em đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp tỉnh, huyện; tập thể Trung tâm Y tế, phòng Y tế huyện đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh; Công an huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuyên truyền thực hiện làm căn cước công dân, định danh điện tử…
Lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả
Thực tế, từ các phong trào thi đua, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện thay đổi từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Cụ thể, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 4,86%, các xã ĐBKK giảm còn 14% (năm 2020 còn 25%), hộ DTTS nghèo còn 1.912/2.754 hộ. Các xã giảm sâu như Cấm Sơn (6,7%), Tân Sơn (6,8%)... Đến nay, ô tô vào được trung tâm 100% các xã, kể cả mùa mưa; 70% đường trục thôn, bản được cứng hoá…
Đồng bào dân tộc Dao, xã Phong Minh chăm sóc trà hoa vàng. |
Mặc dù vậy, theo đánh giá, do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại khu vực này chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác trong huyện và giữa các thành phần dân tộc còn lớn. Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng Phòng Dân tộc huyện nói: “Để các chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình. Nhiều mô hình hay, cách làm mới đã lan toả trong cộng đồng, trở thành phong trào chung của địa phương”.
Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 4,86%, các xã ĐBKK giảm còn 14% (năm 2020 còn 25%), hộ DTTS số nghèo còn 1.912/2.754 hộ. Các xã giảm sâu như Cấm Sơn (6,7%), Tân Sơn (6,8%)... Đến nay, ô tô vào được trung tâm 100% các xã, kể cả mùa mưa; 70% đường trục thôn, bản được cứng hoá. |
Biểu dương và đánh giá cao những thành tích nổi bật trong công tác dân tộc, đặc biệt là những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS và miền núi, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho rằng, đây là những hạt nhân tạo sự cộng hưởng lớn, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS.
Để tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể phát huy tính sáng tạo, tiền phong, gương mẫu, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách, công tác dân tộc; quan tâm, tạo điều kiện phát triển lực lượng nòng cốt người DTTS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời hỗ trợ khởi nghiệp; kịp thời phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tạo động lực để mỗi cá nhân là người DTTS nêu gương, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
“Với những điển hình tiêu tiến được tuyên dương, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để họ nỗ lực, phát huy những kết quả đạt được, đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển KT-XH cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Trương Văn Năm nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)