Kịp thời hỗ trợ người nộp thuế, tăng thu ngân sách
Đại dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh... Dù vậy, theo Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách nội địa 8 tháng năm nay của tỉnh ước đạt hơn 8,2 nghìn tỷ đồng, đạt gần 92,5% so với dự toán năm, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 3 huyện đã thu vượt dự toán năm gồm: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Ngạn.
Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Ảnh: Công nhân Công ty TNHH Fuhong (KCN Đình Trám) trong dây chuyền sản xuất. Danh Lam |
Có được kết quả trên, Cục Thuế đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, đưa ra các giải pháp góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế như: Gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuế đất, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định. Tích cực đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiên môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN.
Tổng thu ngân sách nội địa 8 tháng năm nay của tỉnh ước đạt hơn 8,2 nghìn tỷ đồng, đạt gần 92,5% so với dự toán năm, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 3 huyện đã thu vượt dự toán gồm: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Ngạn. |
Cùng đó, tỉnh chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp "xương sống" đó là, ngay khi cho phép DN hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh và các tổ giúp việc để hỗ trợ DN phục hồi, duy trì sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên tất cả các lĩnh vực.
Giai đoạn đầu, tỉnh tập trung cao hỗ trợ cho DN trong các khu công nghiệp (KCN), trong đó hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc chính như: Hỗ trợ DN có phương án sửa chữa, lập ký túc xá tạm làm nơi ở tập trung cho công nhân ngay trong khu vực sản xuất.
Một trong những giải pháp được đánh giá là sáng kiến của tỉnh là phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ cho công nhân) để sớm đưa DN hoạt động trở lại. Theo Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh có hơn 2,7 nghìn DN ở trong và ngoài KCN hoạt động trở lại với hàng trăm nghìn công nhân. Qua đó bảo đảm năng lực sản xuất, giúp DN tăng doanh thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Công ty TNHH Vina Solar Technology là một trong những DN nộp thuế cao. Ảnh dây chuyền sản xuất của Công ty. |
Là DN nộp thuế cao với hơn 119 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Vina Solar Technology, KCN Vân Trung (chuyên sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời) mở cửa trở lại từ cuối tháng 6. Để bảo đảm các đơn hàng, duy trì sản xuất, ban đầu, Công ty sắp xếp cho công nhân ở tại DN, xây dựng khu lưu trú cho hơn 600 công nhân theo hướng dẫn của Sở Xây dựng; trang bị đồ dùng cá nhân, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, hỗ trợ cho lao động ăn nghỉ tại DN.
Cùng đó, tổ chức xét nghiệm, sàng lọc cho công nhân. Nhờ vậy, Công ty nhanh chóng hoạt động ổn định, đến nay hơn 5 nghìn công nhân đã trở lại làm việc, duy trì sản lượng đạt khoảng 3 triệu sản phẩm mỗi tháng. Đặc biệt là bảo đảm chuỗi cung ứng liên hoàn.
Cùng với DN nước ngoài, nhiều DN trong nước cũng nỗ lực vượt khó qua đại dịch, có số thuế nộp cao như: Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh, Công ty cổ phần Xây dựng Thành Đô (TP Bắc Giang); Công ty TNHH Hòa Phú Invest (Hiệp Hòa)...
Bên cạnh hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm của các địa phương có số thu đạt cao như Lạng Giang, Hiệp Hòa là ngay từ đầu năm đơn vị rà soát, nắm chắc các nguồn thu để đôn đốc thực hiện; kê khai thuế phát sinh, thu hồi nợ đọng; cấp ủy, chính quyền địa phương quyết liệt chỉ đạo, không để thất thu ngân sách. Đáng chú ý, đóng góp vào thu ngân sách ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của DN còn có nguồn thu lớn từ tiền sử dụng đất với số thu toàn tỉnh đạt 4.435 tỷ đồng, vượt dự toán năm.
Việc bố trí cho công nhân ở tại DN đã giúp sản xuất, kinh doanh sớm trở lại bình thường, đóng góp nguồn thu cho ngân sách. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, đơn vị đã rà soát lại các khoản thu còn khả năng khai thác tăng thu như: Nguồn thuế từ hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản là đất ở, đất công nghiệp và nhà xưởng trên địa bàn; yêu cầu DN hoạt động lĩnh vực này tuân thủ quy định nộp thuế thu nhập DN; người bán đất kê khai giá chuyển nhượng sát với giá thị trường, từ đó tăng số thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Mặc dù thu ngân sách đạt kết quả khá song hiện nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Để đạt mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm, ngành thuế tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế; tháo gỡ khó khăn cho DN và người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm nguồn thu ổn định. Đồng thời tiếp tục đôn đốc, động viên kịp thời người nộp thuế nộp sớm hoặc đúng hạn các khoản thuế được giãn theo Nghị định số 52 ngày 19/4/2021 của Chính phủ về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất, các trường hợp nợ thuế, truy thu thuế theo quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)