Quản lý kinh doanh TMĐT: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh thất thu ngân sách
Nhiều vụ vi phạm quy mô lớn
Thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT của Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia 389, ngày 9/10/2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. Mục tiêu nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng, UBND các huyện, TP trong công tác quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý hành vi gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.
Lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa vi phạm tại cửa hàng AE Shop Việt Nam, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) kinh doanh online. Ảnh CTV. |
Quá trình thực hiện, BCĐ 389 tỉnh đề ra nhiều biện pháp cụ thể, trong đó tập trung phòng, chống các hành vi lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thành lập Tổ công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm. Với sự vào cuộc tập trung cao, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Mới đây, Đội QLTT số 3, Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục QLTT tỉnh), Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp kiểm tra, phát hiện gần 13 nghìn sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm các loại và quần áo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu tại hộ bà Đặng Thị Nguyên, thôn Phúc Bé, xã Song Mai (TP Bắc Giang). Bà Nguyên chuyên kinh doanh qua hình thức TMĐT, sử dụng đội ngũ nhân viên đăng thông tin quảng cáo và chốt đơn hàng trên các trang facebook, sau đó chuyển qua đường bưu điện cho khách hàng.
Ông Đào Nguyên Sơn, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh- Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh cho biết, đoàn kiểm tra đã thiết lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 70 triệu đồng, tịch thu toàn bộ sản phẩm. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh phối hợp kiểm tra 15 vụ, xử lý 7 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực TMĐT. Vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, vi phạm nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, trị giá hàng tiêu hủy hơn 421 triệu đồng.
Cùng đó, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, với vai trò thành viên BCĐ 389 tỉnh, Sở Công Thương tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, TP rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực TMĐT. Qua đó đơn vị kiểm đếm được 9 sàn giao dịch, hơn 50 website TMĐT của các tổ chức, cá nhân đã hoàn thiện thủ tục pháp lý về đăng ký, được phép bán hàng qua mạng.
Tăng cường kiểm tra
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh phối hợp kiểm tra 15 vụ, xử lý 7 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực TMĐT. Lỗi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu…". Ông Đào Nguyên Sơn, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh |
TMĐT là hình thức kinh doanh hiện đại, phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức kinh doanh này ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và phát triển mạnh. Để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, việc triển khai kế hoạch của UBND tỉnh là lần đầu tiên BCĐ 389 tỉnh mở đợt kiểm tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả trong lĩnh vực TMĐT.
Mặc dù đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm song trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng tải hoặc livestream bán hàng; toàn bộ giao dịch được thực hiện thông qua Internet. Các đối tượng dùng nhà riêng để làm phòng livestream, phòng cho nhân viên đóng hàng, chốt đơn; dùng nhiều địa điểm khác nhau để làm kho hàng, liên tục thay đổi phương tiện giao dịch nên lực lượng chức năng khó phát hiện, xử lý.
Ví như, để qua mắt cơ quan chức năng, chủ cửa hàng quần áo Tôm Tép, đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) trưng bày toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn tại cửa hàng. Số hàng hóa giả mạo vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt được cất giữ trong kho và bán bằng hình thức online.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh - cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiếp tục kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các đối tượng tham gia kinh doanh. Trước mắt, Cục QLTT tỉnh ký kết với Bưu điện tỉnh quy chế phối hợp trong việc hướng dẫn, kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật gửi qua đường bưu điện trong nước.
Đồng thời phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các đơn vị, địa phương rà soát thông tin số lượng tổ chức, các nhân kinh doanh TMĐT trên địa tỉnh để quản lý và áp dụng thu thuế theo quy định vào đầu năm 2022. Cục QLTT tỉnh khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm các địa chỉ website uy tín, đã đăng ký tham gia TMĐT để đặt hàng, tránh bị lừa hoặc mua phải hàng kém chất lượng; đồng thời đề xuất cơ quan quản lý cấp trên nâng mức xử phạt vi phạm hành chính; mở lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.
Ý kiến bạn đọc (0)