Kiểm tra, quy rõ trách nhiệm chuyển phát báo đến bạn đọc chậm muộn
Bí thư Đảng ủy xã Quý Sơn (Lục Ngạn) Vi Ngọc Văn (bên trái) cùng Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết Nguyễn Xuân Ngọc trao đổi những vấn đề liên quan đến tin tức trên báo. |
“No dồn đói góp” về báo
Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) Nguyễn Xuân Ngọc là người thường xuyên đọc báo. Ông cho biết: “Hiện nay có nhiều thông tin trên ti vi, mạng Internet, song vẫn không thể thay thế được báo in. Khi đọc báo in có tác dụng giúp người đọc hiểu sâu hơn những vấn đề nêu ra, từ đó nảy sinh nhiều ý tưởng mới để đưa vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng”.
Tuy nhiên, ông Ngọc cũng băn khoăn, việc đưa báo đến tay bạn đọc chậm muộn đã làm mất đi tính thời sự của những tin tức trên các số báo. “Theo quy định, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, tôi được nhận 2 tờ báo Nhân Dân và Bắc Giang nhưng nhân viên phát xã thường 2-3 hôm sau mới đưa, thậm chí nhiều lúc lại gộp tất cả các số báo, cuối tuần đưa một thể, khiến lúc không có báo đọc, lúc lại “bội thực””, ông Ngọc chia sẻ.
Không chỉ bí thư chi bộ nhận được báo hàng ngày rất chậm muộn, ngay cả người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cũng vậy. Ông Bế Văn Điềm, dân tộc Tày, người có uy tín ở thôn Hai Mới bày tỏ: “Bản thân tôi đã cao tuổi nên sử dụng mạng Internet để nắm bắt thông tin gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, hầu hết thông tin trong tỉnh, trong nước và quốc tế, tôi trông vào những tờ báo in được phát hàng ngày, gồm báo Bắc Giang và báo Dân tộc và Phát triển. Rất tiếc là các loại báo này chuyển đến quá muộn, hầu như dồn tất cả vào ngày cuối tuần nên khó theo dõi”.
Việc chuyển báo đến tay bạn đọc chậm muộn hoặc thất lạc không chỉ ở địa bàn xã Quý Sơn mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác từ miền núi đến thành thị. Ông Hoàng Văn Lập, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tuấn Đạo (Sơn Động) cho biết, theo chế độ, hàng ngày ông được nhận một tờ báo Lao Động và hàng tháng được nhận một cuốn đặc san Bắc Giang cuối tháng, song báo Lao Động thường mỗi tuần mới nhận được một lần (gộp chung tất cả các số trong tuần); còn báo Bắc Giang cuối tháng từ đầu năm 2021 đến nay chưa thấy đâu. Cả năm 2020, ông Lập cũng chỉ nhận được 2-3 cuốn Bắc Giang cuối tháng.
Ông Nguyễn Văn Thơm, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) nói: “Hơn hai năm trở lại đây, mặc dù báo ra hàng ngày nhưng nhân viên phát xã lại chuyển đến thường chậm muộn tới 3-4 ngày, khiến thông tin trên báo mất tính thời sự. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên về vấn đề này nhưng không thấy chuyển biến”.
Điểm bưu điện văn hóa xã Tuấn Đạo (Sơn Động). |
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, vào thời điểm tháng 7/2020, qua kiểm tra, khảo sát việc nhận báo đối với 67 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên chỉ có 4 người nhận được báo Bắc Giang và báo Dân tộc và Phát triển hàng ngày, còn lại là chậm muộn. Trong đó, 56 trường hợp 6-7 ngày sau mới nhận được một lần, 55 trường hợp hơn 7 ngày sau mới nhận được một lần và 7 trường hợp một tháng sau mới nhận được một lần. Ông Lê Bá Xuyên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sau khi phát hiện tình trạng trên, chúng tôi đã có ý kiến với Bưu điện tỉnh để có biện pháp khắc phục. Trong đó, quy định nếu chuyển muộn quá 5 ngày sẽ không được thanh toán chi phí phát hành cũng như tiền đặt số báo đó”. Tiếc thay, đến nay, tình trạng chậm muộn vẫn còn xảy ra.
Kiểm rõ trách nhiệm, kịp thời chấn chỉnh
Khi làm việc với bà Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Bưu điện huyện Lục Ngạn, chúng tôi nhận được bản hợp đồng thuê khoán giữa Bưu điện huyện với bưu tá, phát xã, trong đó trách nhiệm của người được thuê khoán: “Hàng ngày phải đến địa điểm nhận bưu gửi (bao gồm các loại thư từ, hàng hóa, báo chí-PV); có trách nhiệm vào sổ sách, bảo quản an toàn, bí mật bưu gửi và nhanh chóng phát bưu gửi đến tay người nhận chậm nhất không quá một ngày tính từ lúc nhận bưu gửi…”. Trách nhiệm là vậy, song thực tế có nơi việc phát báo đến tay người đọc thường xuyên chậm muộn.
Được biết, theo số liệu tháng 3/2021, riêng báo Bắc Giang phát hành hàng ngày (từ thứ Hai đến thứ Bảy) hơn 7,8 nghìn tờ/ngày; báo cuối tháng hơn 7,3 nghìn cuốn/tháng, với mức cước phát hành hơn 2,2 nghìn đồng/tờ báo in 2 mầu, 4 mầu; hơn 2,4 nghìn đồng/cuốn báo cuối tháng…Năm 2020, ngân sách tỉnh đã chi hơn 5 tỷ đồng tiền cước phát hành (năm 2021, dự kiến tổng số tiền cước cũng tương đương năm 2020).
Thực tế cho thấy, tình trạng phát hành báo chậm muộn đã diễn ra từ lâu. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh cũng nhận được ý kiến phản ánh về vấn đề này. Trước đó, tháng 5/2017, Báo Bắc Giang cũng đã có công văn đề nghị Bưu điện tỉnh xây dựng hành trình, bố trí phương tiện vận chuyển hợp lý để rút ngắn thời gian phát hành Báo Bắc Giang tới độc giả, phấn đấu đưa Báo Bắc Giang hàng ngày tới bạn đọc toàn tỉnh trong buổi sáng.
Tác giả trao đổi với Bí thư Chi bộ thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) Nguyễn Văn Thơm về những vấn đề phát hành báo chí đến bạn đọc chậm muộn. |
Giải thích về sự chậm trễ trên, một số nhân viên phát xã cũng như cán bộ Bưu điện cho rằng, một phần là do chế độ phụ cấp thấp, cộng với địa bàn rộng nên khó có thể chuyển báo chí đến tay bạn đọc kịp thời ngay trong ngày. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục bởi có nhiều trường hợp ở gần trụ sở UBND xã, thậm chí là cán bộ làm việc tại UBND xã song vẫn nhận được báo chậm muộn.
Bà Dương Thị Hải, nhân viên phát xã Tuấn Đạo thừa nhận: “Do bản thân nghĩ hiện nay tin tức đã được cập nhật đầy đủ trên báo mạng điện tử vì thế nhu cầu của bạn đọc không cần nhiều đến báo in nên tôi đã xem nhẹ việc chuyển các loại đầu báo đến tay bạn đọc” (!?)
Theo các quyết định, quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan, Bưu điện tỉnh Bắc Giang là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ phát hành các loại báo, tạp chí sau đến tay bạn đọc, gồm: Báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và báo Bắc Giang, được xác định đây là dịch vụ công ích.
Bà Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang cho rằng, để các ấn phẩm báo chí đến tay bạn đọc chậm muộn chủ yếu do nhân viên làm công tác bưu tá, phát xã ở cơ sở gây ra. Phía Bưu điện tỉnh sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng trên.
Báo chí cách mạng có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thông tin kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế- xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế, từ đó định hướng dư luận xã hội, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc cán bộ, nhân viên Bưu điện tỉnh phát hành báo chí đến tay bạn đọc chậm muộn hoặc thất lạc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò, ý nghĩa trên. Vì thế, Bưu điện tỉnh cần có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm muộn này. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quy rõ trách nhiệm những người liên quan, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định đã đề ra.
Ý kiến bạn đọc (0)