Không nhận hộ nghèo
Thứ 6: 14:37 ngày 11/07/2014
(BGĐT) - Công tác xa quê, mỗi khi nhớ về cây đa, bến nước, lũy tre làng... trong tôi lại trào dâng niềm thân thương, sẻ chia sự vất vả, nhọc nhằn mưu sinh của các cô, bác, anh, chị ruột thịt của mình.
Ngày cuối tuần rảnh rỗi tôi tranh thủ về thăm gia đình anh họ trạc tuổi tôi nhưng gia cảnh còn nghèo khó. Mấy năm trước gia đình anh vẫn được bình xét hộ nghèo, vì chị ốm đau liên miên, cháu lớn bị tai nạn lao động nằm liệt một chỗ, cháu thứ hai học đại học với đủ thứ tiền ăn học đè nặng lên đôi vai anh.
Đã lâu mới có dịp gặp gỡ nên anh chị rất vui, dứt khoát giữ tôi ở lại ăn cơm. Biết tôi làm báo, anh chủ động gợi chuyện:
- Mấy hôm nay theo dõi đài, báo thấy đưa tin Chủ tịch tỉnh chỉ đạo tích cực thực hiện các biện pháp xóa nghèo bền vững. Trong đó tôi tâm đắc ở chỗ Chủ tịch tỉnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về giảm nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng của một bộ phận người nghèo.
- Suốt ngày lo việc đồng áng mà anh cũng nắm chắc tình hình thời sự nhỉ?
- Gì chứ thông tin về xóa nghèo tôi quan tâm lắm, vì gia đình tôi năm ngoái vẫn là hộ nghèo mà.
- Năm nay anh chị thoát nghèo rồi à?
- Chưa hẳn thế, nhưng tôi nói với bà con đừng bình xét hộ nghèo cho gia đình tôi, bởi nghèo là hèn, là nhục lắm!
- Nhưng nhiều hộ không nghèo vẫn muốn là hộ nghèo để còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, con cái đi học được miễn giảm học phí, dịp lễ tết được thăm hỏi tặng quà...
- Cái chính là từ những lợi ích nhỏ ấy nên mỗi lần thôn bình xét hộ nghèo là không khí trong làng, ngoài xóm lại sục sôi. Thậm chí có người chỉ vì không được là hộ nghèo đâm đơn kiện khắp nơi, tình cảm xóm làng rạn nứt. Ngẫm mà buồn.
- Thế theo anh làm thế nào xóa bỏ được tình trạng "xung phong" được làm hộ nghèo?
- Tôi là nông dân nên chỉ nói những điều mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn như tôi đã đến nhiều vùng cao, vùng sâu thấy những gia đình người Kinh đi xây dựng kinh tế mới có cuộc sống khá giả hơn hẳn gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Sở dĩ có sự chênh lệnh đó do phần nhiều người Kinh có trình độ dân trí cao hơn người dân tộc thiểu số. Ngay như chủ các hộ giàu có ở làng ta đều là những người có chữ nghĩa, vì thế họ năng động và rất giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều chủ hộ nuôi gà, nuôi lợn có trình độ chẳng kém bác sĩ thú y là mấy.
- Nếu vậy, muốn xoá nghèo bền vững phải xóa tư tưởng dựa dẫm, trông chờ, đặc biệt là phải nâng cao dân trí, phải không anh?
- Đúng thế, tôi cho rằng nâng cao trình độ dân trí là gốc của công cuộc xóa nghèo. Người có nhận thức sẽ hổ thẹn khi gia đình mình được xếp vào diện nghèo, để rồi nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
- Anh nói chí phải.
Hải Ngân
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)