Không chủ quan với diễn biến mới của dịch Covid-19
Xuất hiện biến chủng mới
Kết quả giải trình tự gen do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo gần đây cho thấy tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện ca nhiễm biến chủng mới (BA.2.3.2 và BA.5.2 của Omicron). Đây là những biến chủng có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng.
Nhân viên y tế và người dân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đeo khẩu trang phòng dịch. |
Theo Sở Y tế, một tuần qua, trên địa bàn tỉnh có 167 ca mắc Covid-19 (trung bình có 24 ca/ngày), ghi nhận ở 10 huyện, TP. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 từ đầu năm 2022 đến nay là 379,6 nghìn, trong đó 76 ca tử vong.
Hiện toàn tỉnh có 254 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại cơ sở y tế và tại nhà. Tuy vậy, số liệu này chưa phản ánh hết số ca mắc thực tế bởi vẫn có người dân nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo, tự mua thuốc về điều trị.
Với sự xuất hiện biến thể mới của Omicron, toàn ngành và các địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện ca nhiễm, nhận định đúng tình hình, kịp thời triển khai biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả”. Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế. |
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Với sự xuất hiện biến chủng mới của Omicron, toàn ngành và các địa phương cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện ca nhiễm, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu với ban chỉ đạo các cấp triển khai biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả”.
Gần đây có nhiều người nhiễm Covid-19 lần đầu hoặc tái nhiễm với các biểu hiện phổ biến như: Ho, đau đầu, sốt, rát họng, đau mỏi cơ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đa số người bệnh biểu hiện ở mức độ vừa và nhẹ do đã được tiêm vắc - xin. Tuy vậy, người già, người có bệnh nền khi nhiễm rất dễ trở nặng, việc điều trị khó khăn, phức tạp. Hiện có 3 bệnh nhân nặng bị tổn thương phổi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Trước diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước, ngày 6/9/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2447/QĐ-BYT về việc bắt buộc đeo khẩu trang tại một số nơi công cộng. Đây là giải pháp cần thiết giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh dịch tiếp tục kéo dài, xuất hiện thêm biến chủng mới, diễn biến phức tạp.
Đẩy mạnh truyền thông gắn với xử lý vi phạm
Theo quy định mới của Bộ Y tế, những trường hợp, địa điểm bắt buộc sử dụng khẩu trang gồm: Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; tất cả các trường hợp (trừ trẻ dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố mức độ dịch ở cấp độ 3 hoặc cấp độ 4.
Nhân viên quầy thu ngân tại Siêu thị Co.opmart và khách hàng thực hiện quy định đeo khẩu trang. |
Quy định này cũng áp dụng với tất cả các đối tượng tại cơ sở y tế; nơi cách ly; nơi lưu trú có người đang cách ly, giám sát y tế (trừ người đang cách ly trong phòng đơn, người bị suy hô hấp, người đang phải thực hiện thủ thuật, trẻ em dưới 5 tuổi).
Áp dụng với hành khách, người điều khiển, phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở văn hóa, du lịch... khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Một tuần sau khi Quyết định của Bộ Y tế có hiệu lực, quan sát tại siêu thị Co.opmart, trung tâm thương mại GO!, một số cơ sở khám, chữa bệnh, nhà hàng cho thấy phần lớn cán bộ, nhân viên đeo khẩu trang khi giao dịch.
Chị Trần Thị Thảo, bộ phận Quản lý chất lượng của Siêu thị Co.opmart cho biết: “Ngay khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, đơn vị đã quán triệt đến toàn thể nhân viên chấp hành nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi giao dịch”.
Do người dân đã quen với nhịp sống bình thường trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát suốt thời gian vừa qua, được tiêm vắc - xin phòng Covid-19 nên có tâm lý chủ quan; chưa quan tâm đến quy định mới về việc đeo khẩu trang.
Khảo sát tại chợ Mía, xã Tân Mỹ và chợ Thương (TP Bắc Giang), Bến xe khách Bắc Giang ngày 11 và 12/9, vẫn có nhiều người thuộc diện bắt buộc (người bán hàng, lái xe, phụ xe) không đeo khẩu trang theo quy định. Một tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Mía cho biết chưa được ai thông báo, nhắc nhở về việc này.
Qua hệ thống giám sát phòng, chống dịch gần đây cho thấy, người dân ở thị trấn Đồi Ngô và một số xã lân cận trên địa bàn huyện Lục Nam có tâm lý chủ quan, coi nhẹ công tác phòng ngừa.
Ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh hoạt động truyền thông đi đôi với kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện quy định, để dịch lây lan trong cộng đồng.
Tại TP Bắc Giang, UBND TP chỉ đạo các phường, xã ra quân tuyên truyền rộng rãi, chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan và mạng xã hội, hệ thống truyền thanh công cộng để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa.
Ngày 13/9, nhiều nơi như: Chợ trung tâm thị trấn Thắng (Hiệp Hòa); các Bệnh viện: Phổi, Nội tiết, Đa khoa tỉnh tổ chức dán poster, biển báo, khẩu hiệu tuyên truyền việc đeo khẩu trang bắt buộc đối với cán bộ, nhân viên và người dân ở một số khu vực quy định.
Để ngăn ngừa dịch bệnh, cùng với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại một số nơi, Bộ Y tế đã điều chỉnh công thức phòng dịch từ 5K sang mô hình 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc - xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác cho phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, TP tăng cường quán triệt để người dân, cán bộ, công chức, người lao động nâng cao nhận thức, chủ động đeo khẩu trang theo quy định, tiêm vắc - xin đủ liều, đúng thời gian; khai báo đầy đủ nếu nhiễm bệnh. Chủ tịch UBND các huyện, TP chỉ đạo kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)