Không chấp nhận cho Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nghỉ việc vì đang xem xét kỷ luật
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo chiều 3-8. |
Chiều 3-8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2017, báo chí đã đặt câu hỏi tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng về hướng xử lý của Chính phủ ra sao trước việc Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nộp đơn xin nghỉ việc dù Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những vi phạm nghiêm trọng và kiến nghị thi hành kỷ luật với nữ Thứ trưởng này.
Trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có đề xuất kiến nghị các cơ quan xem xét miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Tuy nhiên, về thẩm quyền quản lý cán bộ, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa thuộc quản lý của Ban Bí thư. Do đó, nếu như Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiến nghị này.
"Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban cán sự đảng Bộ Công thương đồng chủ trì việc xử lý kỷ luật với bà Thoa nếu như Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương" - người phát ngôn của Chính phủ cho biết.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngày 31-7, Ban cán sự đảng Chính phủ đã nhận được báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Công thương về việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có đơn xin thôi việc. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Nội vụ, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ xem xét việc này để đề xuất với Ban cán sự đảng Chính phủ hướng xử lý.
"Tuy nhiên theo Luật Cán bộ công chức và Nghị định 46/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật này thì khi một cán bộ đang trong quá trình bị điều tra hoặc xem xét kỷ luật thì không được chấp nhận cho thôi việc" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP khẳng định. Liên quan khối tài sản "khủng" của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nếu tài sản đó chứng minh được tính hợp pháp, được hình thành một cách chính đáng, không vi phạm thì Nhà nước không đặt vấn đề về việc thu hồi tài sản. Các cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm xem xét việc này.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã trả lời câu hỏi về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015) bị thất lạc.
Theo ông Thừa, thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo xử lý nội dung trên, một số cá nhân liên quan đã bị kỷ luật. "Vấn đề thất lạc hay không, Bộ Nội vụ đã báo cáo cơ quan Công an và đang điều tra. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo", ông Thừa nói và cho hay thời điểm diễn ra sự việc, Bộ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; sau đó 1 bản đóng dấu công văn đến thất lạc.
Trước đó, tháng 5-2015, ông Trịnh Xuân Thanh từ Vụ trưởng, Trưởng Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương được chuyển công tác, bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngành công thương, UBND tỉnh Hậu Giang trước khi bị truy nã... Ngày 31-7, ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
Theo Duy Tiến/ANTĐ
Ý kiến bạn đọc (0)