Khoảng trống trong quản lý kinh doanh dịch vụ ở nông thôn
Nguy cơ mất vệ sinh ATTP
Vào buổi sáng và chiều muộn hằng ngày, những trục đường chính tại các thôn: Nội, Trung và Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng), hoạt động mua, bán hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng lại diễn ra sôi động.
![]() |
Thức ăn đường phố bày bán tại thôn Chiền không được che đậy hợp vệ sinh. |
Dọc các trục đường chính trong thôn, quán hàng mọc lên san sát với đủ các loại hình dịch vụ từ thời trang, làm đẹp, quán bia, giải khát, tạp hoá, thức ăn đường phố… đến dịch vụ y khoa. Khách hàng chủ yếu là công nhân (khoảng 7 nghìn người đang lưu trú tại xã Nội Hoàng) làm việc tại các khu, cụm công nghiệp gần đó và người dân trong xã.
Trong vai khách hàng, chúng tôi vào quán bia hơi C.P, kết hợp bán hàng ăn sáng cháo lòng - tiết canh ở thôn Nội. Chủ cửa hàng cho biết, mới từ huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) xuống thuê nhà và mở cửa hàng ở đây được khoảng 3 tháng.
Nguồn hàng nội tạng lợn được người nhà chuyển từ Lạng Sơn xuống bán trong ngày. Các mặt hàng bia, nước giải khát nhập của người quen. Doanh thu xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng. Theo chủ cửa hàng, từ khi hoạt động đến nay, chưa có đơn vị chức năng nào đến kiểm tra, lấy mẫu giám sát về thực phẩm.
Cùng với dịch vụ ăn uống, tại xã Nội Hoàng còn có nhiều cửa hàng bán thực phẩm tươi sống, nấu chín phục vụ người dân và công nhân. Họ bày bán dọc theo các tuyến đường tấp nập người, xe qua lại mà không có tủ kính che chắn bụi.
Thị trấn Nếnh (Việt Yên) cũng là một trong những vùng quê sầm uất của tỉnh, hàng quán, dịch vụ… phục vụ công nhân mọc lên san sát. Qua thống kê, thị trấn có khoảng 1,7 nghìn cửa hàng, hiệu tạp hoá, nhà trọ, trong đó hơn 100 cửa hàng dịch vụ ăn uống, mở cửa từ sáng sớm đến đêm khuya. Nhằm kịp phục vụ khách ăn trưa, chủ quán cơm H.N, tổ dân phố Hoàng Mai 3 bày la liệt các loại thực phẩm xuống nền đất, sát đường giao thông để chế biến.
Điều lạ là ông Nguyễn Văn Th, chủ quán, đổ cả một đống thịt lợn đã luộc chín và thái nhỏ ra thau, rửa rất nhiều lần với mục đích “để cho thịt bớt hôi” (lời ông Th- PV). Theo ông Th, quán cơm hoạt động được 5 năm, mỗi ngày bán hơn 100 suất nhưng từ khi mở cửa đến nay ông không nộp bất kỳ khoản thuế, phí nào. “Quán nhà tôi mua thực phẩm ngày nào, chế biến, bán hết ngày đó nên không cần phải lấy mẫu kiểm tra”, ông Th nói.
Cách quán cơm của ông Th không xa là quán phở bò - cơm rang của anh Trần Đình H, quê ở tỉnh Nam Định. Quan sát cho thấy, khi chế biến thức ăn, chủ quán này không đeo găng tay, khẩu trang. Khi được nhân viên Phòng Y tế huyện Việt Yên nhắc nhở, hướng dẫn, anh H mới thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh ATTP.
Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế
Khảo sát tại nhiều hàng quán, cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Nếnh và xã Hồng Thái (Việt Yên) được biết, trừ những hộ có đăng ký kinh doanh, còn lại không ai phải nộp bất kỳ loại thuế, phí nào.
![]() |
Cán bộ Phòng Y tế Việt Yên kiểm tra vệ sinh ATTP tại một quán ăn ở tổ dân phố Hoàng Mai 3. |
Bà Lê Thị H, chủ tiệm tạp hoá ở tổ dân phố Hoàng Mai 3 cho biết, hiện gia đình bà và nhiều hộ ở tổ dân phố không còn đất sản xuất nông nghiệp nên chỉ trông vào thu nhập từ cửa hàng. Dù cửa hàng mở được 10 năm nay nhưng bà không nộp bất kỳ loại thuế, phí nào. Còn chủ cửa hàng tạp hóa PĐ, thôn Hùng Lãm, xã Hồng Thái cho hay: “Cửa hàng nhà tôi kinh doanh nhỏ, có đáng kể gì đâu mà phải nộp thuế (?)”.
Theo lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Việt Yên - Hiệp Hoà, việc thu thuế ở địa bàn thị trấn Nếnh rất khó vì chủ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiếu hợp tác.
Theo ông Nguyễn Công Huân, Trưởng Phòng Y tế huyện Việt Yên, thời gian gần đây các hàng quán hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là ở khu vực gần các khu, cụm công nghiệp mọc lên nhiều. Do lực lượng mỏng, lại phải làm việc kiêm nhiệm nên đơn vị không thể quán xuyến hết. Được biết, đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, toàn tỉnh quản lý gần 23,4 nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm. 6 tháng đầu năm nay, các cấp thành lập 236 đoàn/tổ kiểm tra về ATTP. Qua đó đã thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm hơn 7 nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm; phát hiện 755 cơ sở còn hạn chế về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở. Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng kiểm tra 569 vụ, xử lý vi phạm 249 vụ. |
Theo Thông tư 92 ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân; thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm thì có thể áp dụng nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh thực phẩm, ăn uống, giải khát phải tuân thủ các quy định trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP. Thời gian qua, Cục thuế tỉnh và ngành Y tế đã có nhiều giải pháp chống thất thu thuế và bảo đảm vệ sinh ATTP.
Tuy nhiên, để chống thất thu thuế khu vực kinh doanh hộ cá thể tại địa bàn nông thôn, vùng ven các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành Công Thương và lực lượng công an. Bởi nếu không có các chủ thể này hỗ trợ thì cán bộ thuế phụ trách xã, phường, thị trấn rất khó rà soát, thống kê và thu thuế các hộ kinh doanh.
Để các loại hình dịch vụ khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng ven khu, cụm công nghiệp trong tỉnh hoạt động nền nếp, bảo đảm vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khoẻ người dân, công nhân và chống thất thu ngân sách rất cần có sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng.
Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương, lực lượng công an, y tế, quản lý thị trường là then chốt. Cùng đó, ngành Thuế phối hợp rà soát, thống kê mức thu nhập của các hộ kinh doanh, cung ứng dịch vụ, bảo đảm thu đúng, đủ các loại thuế theo quy định.
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)