Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khoảng trời xanh biếc

Cập nhật: 10:00 ngày 25/12/2022
(BGĐT) - “Mùa thơm trên tay” là tập tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý IV/2022.

Cuốn sách dày dặn với 54 tản văn được chia làm ba phần. Phần I- "Miền nhớ" với những trang viết mang đậm dấu ấn văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ với lối viết trữ tình đầy nội cảm. Phần II- "Miền thương" mang đậm vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của một người con sinh ra và lớn lên ở quê. Nỗi nhớ da diết về một vùng quê mình từng sống đầy hoài niệm, chị nhớ từng bóng nước, thềm trăng, nhớ những bếp lửa mùa đông trong chiều gió bấc, nhớ tiếng gà gọi mặt trời trên cao nguyên, cho đến những chuyến đò mưa chở đầy thân phận. Phần III - "Vọng mùa" là những thông điệp đầy dáng vẻ đời sống. Chị cảm nhận sâu sắc hơn về một làng quê đã dần mai một, những suy tư, trăn trở về những giá trị văn hóa đang có xu hướng bị lãng quên khiến tâm hồn con người già nua, cằn cỗi. Sự vô cảm đang dần hình thành một lối sống thực dụng làm mất đi vẻ đẹp của làng quê. "Mùa thơm trên tay" chính là sự đánh thức những phần còn mất mát, hao khuyết để làng mãi mãi là cội nguồn, là chốn bình yên nhất mỗi khi lòng bất trắc, hư hao ta có thể tìm về.

Đọc tập tản văn "Mùa thơm trên tay" chúng ta dễ dàng bắt gặp những nét đặc trưng nơi quê nhà mà ta từng sống, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên như hoa khế, hoa cau, hoa chanh, hoa bưởi cho đến những mùi lúa, mùi cỏ, mùi bùn và tầng sâu văn hóa như đình làng, hát hội, các hoạt động văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, dòng tộc có nguồn gốc từ bao đời nay. Cao hơn nữa là con người, những người nông dân thật thà, hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó. Họ sống chan hòa với thiên nhiên, cây trái, hoa cỏ bốn mùa; họ lưu giữ được nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê mình sống với những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha ta để lại.

{keywords}

Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương sinh ra và lớn lên ở một làng quê giàu văn hóa truyền thống, nơi giáp ranh con sông Thương thơ mộng, nơi có ngọn núi Dành, có bến đò Mom đẹp như một bức tranh. Nơi có những giá trị độc đáo như hát ống, hát ví… tất cả thấm đẫm, hòa quyện vào tâm hồn chị và sau này bừng sáng trên những trang viết. Trong tản văn "Mùa thơm trên tay", chị đã nhớ mùa thu hương thị đến quắt quay, nhớ chợ làng mỗi khi mẹ về thể nào trong thúng cũng có vài quả thị chín vàng. Sau này, khi xa quê chị vẫn thường kể cho các con nghe về những mùa thị chín để cho chúng biết rằng mùi thị thơm như những câu chuyện cổ tích và thơm cả vào giấc mơ. Mùi thị và những kỷ niệm thời thơ ấu chính là vị quê, là mùa thơm trên những đôi tay.

Trong tản văn "Hoa bưởi vườn xưa" mang đến cho người đọc một thông điệp đời sống với những cay đắng, ngọt bùi, khổ đau, bất hạnh người ta lại tìm về nương náu nơi quê nhà. Cây có cội, sông có nguồn là vậy. “Trầu cau ngày cũ" nhắc ta nhớ về quê, về nội nhiều hơn, nhớ chiếc cối giã trầu bằng đồng của bà, nhớ những chiếc lá trầu hình tim, nhớ ngọn đèn dầu của cha mà đốm lửa chỉ như hạt cau tỏa sáng. Từ câu chuyện trầu cau chị lại nhớ đến những bà cụ nghiện trầu phải đi cách ly trong đại dịch Covid - 19. Những tấm lòng và chuyến hàng cứu trợ trong đó có cả trầu cau thật ấm áp, nghĩa tình biết bao.

Con người mang tính hiện sinh có ý thức, có trách nhiệm cùng những cảm thức, thân phận trong tản văn của chị như: “Người bán dậm nan", "Những tiếng rao trưa", "Tiếng tò he", "Đời xe ngựa", "Lòng tốt", "Niềm tin”… khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Tản văn tưởng dễ viết nhưng cũng thật khó hay nếu người viết không tạo được mạch cảm xúc, không có thông điệp đời sống về văn hóa, về xã hội, không mang lại ý nghĩa gì thì sẽ rất khó chạm đến trái tim bạn đọc.

Tản văn của Mai Phương gửi gắm một thông điệp đầy giá trị đó là lòng trắc ẩn trước những mảnh đời, trước những nỗi đau của con người. Lòng trắc ẩn đó là sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ trước những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, giúp họ vượt qua những trở lực của đời sống. Trân trọng cái đẹp, sống tử tế và cảnh báo thói ích kỷ, sự giả dối, thiếu sự quan tâm, thờ ơ, lạnh nhạt đâu đó vẫn còn trong xã hội ngày nay. Cuốn sách được viết bằng tâm hồn đa cảm, tinh tế, giàu chất thơ với những xúc cảm, hồn nhiên, trong sáng và mang nặng suy tư, chiêm nghiệm trước thiên nhiên, con người. Ngôn ngữ đẹp, lấp lánh, ấn tượng được biểu đạt bằng sự chân thành, triết lý sâu sắc và tỏa hương như những bông hoa trong khu vườn của bà, của mẹ.

Dấu ấn để lại nhiều cảm xúc và thành công nhất trong tập tản văn "Mùa thơm trên tay" của chị là làm sao giữ được cội nguồn, bản sắc văn hóa những miền quê xưa như lũy tre làng Sấu, điệu hát ống, hát ví làng Hậu. Những sản vật của quê hương cần được phát huy, gìn giữ và phát triển như sâm núi Dành, nem nướng Liên Chung. Xa hơn nữa là những giá trị văn hóa, lịch sử, đời sống, tinh thần của làng quê Việt Nam.

Đọc tản văn của Mai Phương thấy những điều đơn sơ, bình dị, gần gũi và vô cùng ấm áp. Gặp lại bến sông, con đò, mùa vụ. Gặp lại hoa xoan đầu ngõ, hoa bưởi nồng nàn, hoa gạo tháng Ba. Gặp lại xóm núi chiều đông bên những sợi khói thơm mùi rơm rạ, gặp lại bếp lửa mẹ ta trong chiều chạng vạng. Gấp sách lại thấy tuổi thơ mình rơi trên những ngón mùa thơm. Mùa của hương hoa, mùa của ký ức và mùa của tương lai.

Giới thiệu sách: Cuốn sách mang dấu ấn lịch sử
(BGĐT) -  “Bắc Giang ý Đảng - lòng Dân chiến thắng dịch Covid-19” là cuốn sách dày 524 trang vừa ra mắt độc giả trong và ngoài tỉnh đầu tháng 6/2022. Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, làm chủ biên, xuất bản cuốn sách theo giấy phép Sở Thông tin và Truyền thông cấp tháng 4/2022. 
Tuyên truyền, giới thiệu sách chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Công an nhân dân”
(BGĐT) - Ngày 3/9, Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức Ngày hội tuyên truyền, giới thiệu sách chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Công an nhân dân” và trao giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc trong lực lượng Công an nhân dân" năm 2022.
Phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến 2022
Ngày 1/4, tại phố sách Hà Nội 19/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc".

Đinh Tiến Hải

Chia sẻ:
khoang-troi-xanh-biec.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...