Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang hướng đến hình thành kho bạc điện tử
Triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán tại KBNN Bắc Giang. |
Những năm qua, KBNN tỉnh đã bước đầu hiện đại hóa nghiệp vụ kho bạc. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật?
Trước hết, Ban lãnh đạo KBNN tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện điều hành, quản lý quỹ ngân sách nhà nước có hiệu quả; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; hiện đại hóa quy trình thu ngân sách nhà nước giữa cơ quan Thuế - Hải quan - KBNN; vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán song phương điện tử phối hợp, ủy nhiệm thu với hệ thống các ngân hàng thương mại tại 10/10 đơn vị (KBNN huyện và Phòng Giao dịch KBNN tỉnh). Qua đó tạo thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách nhà nước có thể lựa chọn nộp tiền tại các điểm thu của ngân hàng thương mại nơi gần nhất, đồng thời hiện đại hóa công tác thanh toán của hệ thống KBNN với hệ thống ngân hàng và thanh toán liên kho bạc điện tử theo mô hình tập trung; thí điểm thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước...
Tuy nhiên, một số quy trình nghiệp vụ vẫn chưa được điện tử hóa mạnh mẽ, như luân chuyển hồ sơ, chứng từ trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN vẫn luân chuyển bằng chứng từ giấy.
Để xây dựng và hình thành "Kho bạc điện tử" vào năm 2020, hệ thống KBNN nói chung và KBNN Bắc Giang nói riêng thực hiện đồng bộ các giải pháp gì, thưa ông?
KBNN Bắc Giang cùng với toàn hệ thống tiếp tục cải cách mạnh mẽ cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản, giảm thiểu thủ tục hành chính; đồng thời triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Hoàn thiện cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là quy trình nghiệp vụ về thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm thiểu hồ sơ, chứng từ trong quá trình các đơn vị, cá nhân giao dịch với KBNN, chuyển kiểm soát chi ngân sách nhà nước từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", thống nhất đầu mối kiểm soát chi thường xuyên và đầu tư ngân sách nhà nước qua KBNN vào cuối năm 2017.
Tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào quy trình quản lý thu ngân sách nhà nước, triển khai các dịch vụ công của hệ thống KBNN.
Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN, mở rộng thanh toán điện tử liên ngân hàng, hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN.
Tiếp tục ứng dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị nội bộ hệ thống theo hướng tập trung hóa, tạo cơ sở để thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành trực tuyến, bảo đảm các thông tin chỉ đạo điều hành, trao đổi... trong hệ thống được đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí.
Các nội dung trên sẽ được thực hiện theo lộ trình, góp phần điện tử hóa các giao dịch trong nội bộ hệ thống KBNN cũng như giữa KBNN với các đơn vị bên ngoài hệ thống, từ đó hình thành "Kho bạc điện tử" như mục tiêu chiến lược phát triển của ngành đã đề ra.
Minh Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)