Khi nước Pháp trở mình
Tân Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng mới Edouard Philippe của Pháp. |
Những tổn thất nặng nề
Làm đầy thêm chiếc ly cay đắng, mới nhất, ngày 27-6, cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố trên truyền thông: “Tôi rời khỏi Đảng Xã hội. Hay nói cách khác, Đảng Xã hội đã rời bỏ tôi”. Suốt thời gian qua, ông Valls đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một cách nhất quán. Và bây giờ, Đảng Nền cộng hoà tiến bước (LREM) đang để ngỏ cho ông cơ hội trở thành một nghị sĩ đồng minh của mình trong Hạ viện, với việc sẽ không giới thiệu ứng viên nào “ngáng đường”.
Những tổn thất chưa từng có nối nhau xuất hiện, phủ gam màu xám lên diện mạo của Đảng Xã hội. Mới 5 năm trước đây, năm 2012, SP còn có mặt trong tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước (Phủ tổng thống, Chính phủ, Thượng viện, Hạ viện, các địa phương quan trọng). Hiện tại, với 29 ghế trong Hạ viện (chỉ còn 1/10 so với thời điểm đó), Đảng Xã hội xem như không còn cơ hội tạo nên được một phe đa số.
Theo đánh giá của cây viết xã luận uy tín thuộc tờ Le Monde, Gerard Courtois, “Đảng Xã hội mà cựu tổng thống Francois Mitterand tái xây dựng vào năm 1971 - quyền lực đã chi phối nước Pháp hơn 20 năm qua - đã sụp đổ. Hiện tại, Đảng Xã hội không có người dẫn đầu, không có những dự án thuyết phục và không có cả những liên minh cần thiết hòng lấy lại sức mạnh”.
Một “cơn bĩ cực” thực thụ. Trước mắt, Đảng Xã hội, theo ông Courtois, phải xác định thái độ chính trị của mình, không chỉ với đương kim Tổng thống Macron mà còn cả với những người như ứng cử viên theo đường lối cực tả Mélenchon, người đang mong muốn trở thành kiến trúc sư của công cuộc tái thiết cánh tả. Nhưng, đó cũng lại là cả một cuộc phiêu lưu...
Người dân Pháp ủng hộ tân Tổng thống Emmanuel Macron. |
Trăm mối tơ vò
Thay đổi hay không thay đổi, đó là vấn đề. Đảng Xã hội có thể bị cuốn theo các ý tưởng cách tân của Mélenchon hoặc có thể tìm cách bằng mọi giá giữ gìn bản sắc. Song điều này đòi hỏi một quãng thời gian dài và cả lòng nhẫn nại vô bờ, bởi các thất bại liên tiếp trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử Hạ viện đã đặt ra cho SP quá nhiều vấn đề “sinh tử”.
Không chỉ vậy, bối cảnh chung đang làm khó tất cả các lực lượng chính trị truyền thống của nước Pháp. Chiến thắng vang dội liên tiếp của LREM và đương kim Tổng thống E.Macron không chỉ là đòn đau giáng vào Đảng Xã hội mà còn dành cho cả địch thủ lâu đời bên cánh hữu của họ - Đảng Cộng hoà, dù không đến mức “thê thảm” như vậy.
Chưa bao giờ Hạ viện Pháp lại có tính đại diện chính trị cao như lúc này. Năm 2012, Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) của bà Marine Le Pen chỉ có hai ghế (dù bà cũng giành được tới 17% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống); Đảng trung hữu Phong trào Dân chủ (MoDem) có hai ghế, còn Mélenchon thì không có chỗ. Năm 2017, tất cả các lực lượng chính trị Pháp đều có mặt. Đảng Nước Pháp bất khuất có 17 ghế. MoDem: 42 ghế. Và FN, dù chịu nhiều thiệt thòi bởi phương thức bầu cử, cũng có tới 8 ghế. LREM đứng trên tất cả, với hơn 300 ghế.
Tuy vậy, bên ngoài cuộc “thượng đài chính trị” này, những số liệu thống kê cũng gây choáng váng, ở một khía cạnh khác. Việc bỏ phiếu trắng đạt đến một kỷ lục mới ngoạn mục. Không chỉ 57,4% cử tri Pháp không quan tâm đến cuộc bầu cử Hạ viện ngày 18-6, mà 10% trong số người đi bỏ phiếu đã thả vào hòm phiếu những lá phiếu trắng hoặc phiếu không hợp lệ. Tóm lại, như nhận xét của Le Monde, chỉ khoảng 38% số cử tri có tên trong danh sách đã bỏ phiếu lựa chọn một ứng cử viên nào đó, theo đúng nghĩa của hành động này.
Thái độ thờ ơ và lãnh đạm ấy có thể được lý giải với những nguyên nhân tương đối rõ ràng: Sự mệt mỏi sau gần một năm với các cuộc bỏ phiếu liên tiếp và hơn hết là sự mất lòng tin sâu sắc đối với giới chính trị gia. Ở một góc nhìn nào đó, nó cũng kín đáo biểu đạt tâm lý hoài nghi, đối với cả những dự án mà tân Tổng thống đang ấp ủ.
Đó không phải là điều xa lạ. Bên kia Đại Tây Dương, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm ngoái cũng bị bao phủ bởi những nỗi ám ảnh tương tự. Nhưng dù thế nào, bối cảnh này cũng chính là một thách thức cực lớn đối với Đảng Xã hội Pháp. Họ - những người nắm quyền lãnh đạo trong nhiều năm - đã đánh mất niềm tin với tỷ lệ thất nghiệp cao, bất ổn xã hội gia tăng và sự lung lay của lòng tự tôn dân tộc. Để cảm nhận được rõ nhất trạng thái của SP khi bị bỏ lại quá xa trên đường đua, có lẽ nên đọc dòng tít của tờ báo Tây Ban Nha El Pais, khi bình luận về thành công của đương kim Tổng thống Macron: “Nước Pháp đã lại hợp thời trang. Nước Pháp thật tuyệt vời!”
Con đường phía trước
Cho dù bóng đêm dày đặc đã ập xuống thì Đảng Xã hội cũng không thể chỉ ngồi yên mà đợi bình minh. Họ vẫn có những lựa chọn hành động cho mình, bởi vì thực tế, trong thách thức nào cũng có cơ hội.
Cơ hội dành cho SP, đầu tiên, chính là tâm trạng hoài nghi dành cho các dự án của ngài Marcon và LREM. Tiếp đó, chuyện LREM - Đảng chiếm đa số trong Quốc hội - thiếu một hệ tư tưởng chính trị rõ ràng cũng sẽ là điểm mà Đảng Xã hội có thể khai thác. LREM, như tự họ mô tả, có thể là cả trung lập, thiên tả hay thiên hữu tuỳ theo từng trường hợp. Họ là tập hợp của một hệ thống thành viên đa dạng về quan điểm, và chỉ gắn kết bởi mục tiêu mang đến những sự thay đổi tươi mới cho nước Pháp.
Cũng chính nhờ vậy, ông Macron đã trở thành Tổng thống Pháp. Nhờ vậy, LREM chiến thắng vang dội. Nhưng khi mọi chuyện không diễn ra như ý (điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, bởi sự thiếu khuyết các kinh nghiệm chính trường) với LREM, SP có thể tận dụng tình hình để dần xây dựng lại vị thế.
Điều tiên quyết để nắm lấy những cơ hội như thế là việc thiết lập được các liên minh. Thế giới đang thay đổi, nước Pháp đang thay đổi, và sẽ rất khó để Đảng Xã hội cố gắng níu giữ toàn bộ những giá trị mang tính bản sắc. Họ cũng phải trở nên “tân tiến” hơn và cuốn hút hơn.
Xét cho cùng, như cách làm của cựu Thủ tướng Manuel Valls, đó cũng là một lựa chọn khả thi. Có lẽ sự thỏa hiệp ấy sẽ khiến nước Pháp yên bình và có nhiều cơ hội “start up chính trị” thành công hơn, so với việc cố gắng ngáng chân nhau và biến các phiên thảo luận ở Quốc hội trở nên hỗn loạn...
Đông Phong
Ý kiến bạn đọc (0)