Khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
BẮC GIANG - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 5327/UBND-NC về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; của Tỉnh ủy, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác PCTNTC,… Trọng tâm từ nay đến cuối năm thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 18/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác PCTNTC năm 2024.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Ảnh minh họa. |
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… Chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện nội dung này tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình.
Khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa trong những tháng đầu năm như: Đăng tải công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử trong lĩnh vực tài chính ngân sách; xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập…
Thực hiện tốt cơ chế phối hợp theo nội dung Thông tư liên tịch số 03 ngày 18/10/20186 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 319 ngày 15/4/2021 về việc thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 3220-CV/TU ngày 25/7/2024 theo các nội dung: Khắc phục những tồn tại, hạn chế và có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, trọng tâm là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kịp thời phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, tổ chức, địa phương và qua công tác xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy định về cơ chế phối hợp, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, kết luận giải quyết đơn mới chuyển hồ sơ vụ việc.
Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì thủ trưởng cơ quan phát hiện chịu trách nhiệm báo cáo ngay với Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy để tham mưu chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến UBKT Tỉnh ủy để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Nếu phát hiện đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật đảng thì thủ trưởng cơ quan phát hiện chịu trách nhiệm chỉ đạo cung cấp thông tin hoặc kiến nghị cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan UBKT có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)