Khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp mặt bằng
Quy hoạch đủ song... phải chờ
Theo kết quả rà soát của cơ quan chức năng, đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 1 nghìn dự án, công trình xây dựng, với tổng nhu cầu nguyên liệu đất san lấp khoảng 147,82 triệu m3. Thế nhưng đến quý II/2022, tổng trữ lượng các mỏ đất san lấp đã được cấp phép thăm dò, khai thác mới đạt hơn 31 triệu m3. Đến năm 2025, toàn tỉnh cần 116 triệu m3 đất nữa để thực hiện các dự án. Tại nhiều cuộc họp của UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các địa phương đều phản ánh khó khăn về nguồn đất san lấp.
Một điểm khai thác đất được cấp phép tại xã Cẩm Lý (Lục Nam). |
Tại huyện Việt Yên, dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hàn, ở địa bàn các xã: Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh có quy mô giai đoạn I là 50 ha. Theo kế hoạch, việc san lấp mặt bằng dự kiến thực hiện trong quý III và IV năm 2021 nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có giá đất san lấp tăng cao, nguồn cung thiếu nên thời gian san lấp mặt bằng kéo dài thêm nhiều tháng.
Trên địa bàn huyện Hiệp Hòa không có mỏ đất san lấp nào. Theo ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện thì tại Hiệp Hòa có hơn 100 dự án, công trình đang triển khai, trong đó nhiều dự án phải sử dụng đất san lấp. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu vẫn phải mua từ huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Do đất san lấp khan hiếm, giá đất tăng cao, tiến độ thực hiện nhiều công trình, dự án bị chậm muộn.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thông tin: Ngoài các mỏ đã được cấp phép khai thác và đang hoạt động, hiện toàn tỉnh có 120 điểm mỏ khoáng sản được quy hoạch làm vật liệu xây dựng thông thường, thăm dò, khai thác giai đoạn 2021-2030. Trong số này có 83 mỏ đất san lấp với tổng trữ lượng khoảng 117,4 triệu m3. Như vậy, tổng trữ lượng đất phục vụ san lấp không thiếu so với nhu cầu dự báo song phải chờ cấp phép.
Rút ngắn thủ tục cấp phép, sớm đưa các mỏ vào khai thác
Nguyên nhân chủ yếu thiếu đất san lấp mặt bằng thực hiện các dự án là do thủ tục cấp phép mỏ đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy trình cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện theo 3 bước: Cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng và cấp giấy phép khai thác. Ở mỗi bước còn nhiều thủ tục liên quan.
Đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 1 nghìn dự án, công trình xây dựng với tổng nhu cầu về nguyên liệu đất san lấp khoảng 147,82 triệu m3. Tuy nhiên, tính đến quý II/2022, tổng trữ lượng các mỏ đất san lấp đã được cấp phép thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 31 triệu m3. |
Ông Đinh Quang Vỹ, đại diện Công ty cổ phần Khoáng sản Đại Hoàng Sơn (Lục Nam) cho rằng, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản còn rườm rà. Cụ thể, lấy ý kiến nhân dân phải thực hiện tới 2 lần, trước hết ở bước xin cấp phép thăm dò, sau đến xin cấp phép khai thác lại phải xin ý kiến nhân dân lần nữa.
Cũng trong khâu cấp phép thăm dò, việc thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và thẩm định hồ sơ, xác nhận đủ điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án cũng tách ra làm hai phần việc riêng, gây phiền toái cho doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp đề nghị gộp hai phần việc này làm một.
Ngay sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch, dự kiến đưa 85 mỏ đất, cát ra đấu giá trong năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 26/85 điểm mỏ qua lấy ý kiến được người dân đồng thuận. Do đó, toàn bộ 85 mỏ không thể đưa ra đấu giá.
Liên quan thủ tục cấp phép, thực tế cho thấy nhiều mỏ đấu giá xong, đã được phê duyệt trữ lượng cả năm trời vẫn chưa xong các thủ tục cấp phép để đi vào hoạt động. Năm 2020, toàn tỉnh có 21 điểm mỏ đất được đưa ra đấu giá; giữa năm 2021, Sở TN&MT đã phê duyệt xong trữ lượng các mỏ này nhưng đến nay mới có 1 điểm mỏ được cấp phép hoạt động.
Nguyên nhân là do chồng chéo trong quy hoạch khi thực hiện các thủ tục đầu tư như: Quy hoạch khai thác khoáng sản chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, khu dân cư… Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là phần việc phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Khoáng sản (Sở TN&MT) cũng thừa nhận, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Quy trình này gồm 7 phần việc như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập hồ sơ xác nhận đủ điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; lập, thẩm định dự án đầu tư khai thác theo quy định của pháp luật; rà soát, thống nhất các quy hoạch tại khu vực có mỏ trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư; lấy ý kiến nhân dân...
Đáng chú ý, mỗi phần việc lại thuộc thẩm quyền giải quyết của một sở, ngành, huyện hoặc xã, thị trấn nơi có mỏ. Do đó, nếu không có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ về quy trình, thủ tục giữa các cơ quan, đơn vị sẽ mất nhiều thời gian đi lại của doanh nghiệp.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, căn cứ kết quả rà soát, trao đổi, thống nhất với các sở, ngành liên quan, Sở TN &MT đã tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh một số trình tự, thủ tục trong việc cấp phép. Bởi vậy, ngày 20/7 vừa qua, UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thủ tục lấy ý kiến nhân dân từ 2 lần rút xuống còn 1 lần. Đối với việc xử lý chồng lấn giữa các quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung không để chồng chéo giữa các quy hoạch trước khi cấp phép thăm dò khoáng sản.
Quy trình về lập, thẩm định hồ sơ xác nhận đủ điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; lập thủ tục chuyển mục đích rừng và lập thủ tục về trồng rừng thay thế; lập thẩm định dự án đầu tư khai thác khoáng sản… cũng được điều chỉnh, phân định cụ thể trách nhiệm của từng ngành phù hợp hơn, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ví như Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về việc lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khai thác mỏ; Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu làm rõ nội dung tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định pháp luật…
Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan biên soạn tài liệu hướng dẫn cụ thể, chi tiết nội dung các bước công việc, thành phần hồ sơ, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện… tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động khoáng sản sớm hoàn thiện thủ tục, đưa các mỏ vào khai thác; góp phần giải bài toán thiếu đất nền san lấp mặt bằng các công trình thời gian tới.
Bài, ảnh: Thuỳ Ninh
Ý kiến bạn đọc (0)