Kết nối các nhà khoa học, trí thức hướng về xây dựng quê hương Bắc Giang
Tham gia tọa đàm có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng hương, Chủ tịch Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội; Tiến sĩ, bác sĩ Dương Thị Hiển, Trưởng Khoa xét nghiệm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và em Phạm Hồ Tùng Linh, lớp 12A4, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang).
Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng
Mở đầu cuộc tọa đàm, đồng chí Lê Ánh Dương thông tin nhanh về các kết quả tỉnh Bắc Giang đạt được trong năm vừa qua. Cùng đó chỉ ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra. Trong đó, tập trung đưa Bắc Giang phát triển nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về quy mô GRDP.
Đồng chí Lê Ánh Dương trao đổi tại buổi tọa đàm. |
Để thực hiện, Bắc Giang tập trung 3 khâu đột phá gồm: Hoàn thiện, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách của tỉnh; xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng; phát triển hạ tầng.
Trao đổi về các giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương khẳng định, tỉnh đã xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh đến năm 2030. Trong đó giải pháp quan trọng nhất là phải tập hợp được những trí thức ở trong và ngoài tỉnh, bởi trí thức không có biên giới. Xây dựng cơ chế vận hành hiệu quả để đội ngũ này tiếp nhận được thông tin về chủ trương lãnh đạo của tỉnh. Qua đó tham gia vào các khâu hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, triển khai thực hiện và đánh giá. Phát huy hiệu quả chất xám của các nhà khoa học, trí thức để nâng tầm chính sách, công tác tổ chức thực hiện của địa phương.
Thường xuyên mở các diễn đàn, tạo cơ hội để trí thức chia sẻ kinh nghiệm, từ đó bám sát thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp, ý tưởng góp phần giải quyết các vấn đề nóng, trọng tâm của tỉnh. Tôn vinh, trọng dụng trí thức, tạo điều kiện để trí thức có vai trò, vị trí, chỗ đứng và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho quê hương Bắc Giang.
Khẳng định quá trình hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đưa Bắc Giang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước cũng là cơ hội cho các nhà khoa học, trí thức đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Đồng chí nêu rõ: Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới phát triển nhanh, bền vững. Đó là phát triển nhanh với tốc độ cao, gắn với môi trường, bảo đảm an sinh, phát triển bao trùm, không để nơi nào, người nào khó khăn.
Đồng chí mong muốn các nhà khoa học, trí thức bám sát định hướng, chủ trương của tỉnh, những vấn đề thực tiễn và có đóng góp tích cực vào xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách của địa phương; tư vấn, phản biện. Cùng với tỉnh tham gia phát hiện, chọn lọc, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục gợi mở nội dung về công tác chuyển đổi số và tin tưởng với sự hiểu biết, kinh nghiệm của các trí thức sẽ giúp tỉnh thực hiện thành công công tác chuyển đổi số. Từ đó nâng tầm công tác quản lý, quản trị xã hội, sao cho cập với trình độ tiên tiến.
Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc chia sẻ mong muốn kết nối các nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh. |
Vui mừng khi tỉnh đã xây dựng được Chiến lược phát triển trí thức Bắc Giang, Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc chia sẻ, Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội hiện có hơn 200 thành viên và luôn mong muốn tập hợp, kết nối các nhà khoa học người Bắc Giang ở trong và ngoài nước để cùng hướng về xây dựng quê hương.
Giáo sư nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, đặc biệt là lần thứ 4, vai trò của khoa học công nghệ càng quan trọng. Xu hướng tới đây của Hội là tiếp tục mở rộng, kết nối các nhà khoa học. Tuy nhiên để kết nối được thì phải có 3 yếu tố đó là: Nhận thức đúng về vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách; tổ chức quản lý.
Giáo sư mong muốn UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì, tổ chức kết nối nhà khoa học ở các vùng, miền, tạo cơ hội để các nhà khoa học, trí thức liên kết, chia sẻ kinh nghiệm.
Xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo
Là tác giả có nhiều giải pháp, công trình tham dự các hội thi và đạt giải cao, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Thị Hiển cho rằng bản thân khá may mắn khi tìm thấy niềm vui, sự yêu thích, đam mê trong công việc.
Các công trình, giải pháp tiến sĩ, bác sĩ đề xuất đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đơn vị, ngành, địa phương, trên nền tảng nguồn lực có khả năng đáp ứng, từ đó tìm các biện pháp để triển khai, ứng dụng vào thực tiễn.
Tiến sĩ, bác sĩ Dương Thị Hiển được tôn vinh trí thức Bắc Giang tiêu biểu. |
Bác sĩ Hiển cùng các đồng nghiệp mong muốn tạo ra những giải pháp hữu ích, hữu dụng, có giá trị thực tiễn để chủ động trong công tác kiểm soát bệnh tật, nâng cao năng lực cho đơn vị song cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản trong quá trình sáng tạo khoa học. Đó là thời gian và cơ chế, chính sách đầu tư y tế cơ sở, điều kiện hạ tầng, thiết bị còn nhiều hạn chế.
Đồng thời mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm tạo môi trường làm việc thuận lợi, khuyến khích cho sự sáng tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để có thể tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến. Phát triển thị trường khoa học công nghệ để sản phẩm sáng tạo của trí thức, nhân dân tạo ra có thể thương mại hoá, từ đó có nguồn lực tái đầu tư. Tổ chức thường xuyên và nâng cao chất lượng hội thi sáng tạo kỹ thuật, giải thưởng khoa học công nghệ tỉnh.
Quá trình nghiên cứu, em Phạm Hồ Tùng Linh và các bạn được thầy cô hướng dẫn, tiếp cận với các tài liệu nước ngoài, qua đó nâng cao vốn ngoại ngữ. Em mong muốn ngày càng có nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm STEM trên địa bàn TP để tạo môi trường giao lưu, học hỏi; có cơ hội tiếp xúc với các thầy cô, chuyên gia ở các lĩnh vực và các nguồn tài liệu tin cậy để có thể sáng tạo thêm nhiều mô hình.
Tin, ảnh: Nhóm PVVX
Ý kiến bạn đọc (0)