Huyền tích dấu chân Phật trên đá
Chùa Am Vãi. |
Vùng Khám Lạng (Lục Nam) còn lưu truyền sự tích bà mẹ Hang Non. Vào thời Hùng Vương, có người đàn bà họ Tống ở An Phú ướm thử bàn chân mình vào dấu bàn chân trên đá ở cạnh giếng Trúc thuộc cánh đồng dưới thung lũng núi Khám rồi có thai sinh ra một bọc ba trứng nở ra ba con rắn. Hằng ngày khi bà đi chợ, làm đồng, ba con rắn lại lột xác thành ba chàng trai khôi ngô tuấn tú giúp bà việc nhà. Một hôm bất chợt bà về nhà sớm, ba chàng hốt hoảng vội chui vào lốt rắn và bỏ chạy lên núi Lãm Sơn. Bà mẹ liền chạy theo gọi trở lại nhưng ba chàng vẫn chạy miết lên núi và chui vào một cái hang lớn. Bà mẹ tìm cách lôi con trở lại, không may dẫm phải đuôi một con. Tuy đứt đuôi nhưng con rắn ấy vẫn chui được vào hang. Chỗ hang núi đó có đường thông ra sông Lục Nam thành ba cái vực lớn, còn chỗ bà mẹ mất gọi là vực Dẫm. Người đời sau đã gọi con rắn đó là ông Cộc và hai con kia là ông Dài.
Chùa Am Vãi nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử. Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia chùa vốn là một cái am nhỏ, có một vị sư trụ trì. Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư trụ trì dùng mà không bao giờ chảy hơn. Một ngày vị sư có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo không bao giờ chảy ra nữa... Nơi đây cũng từng là chốn tu thiền nhập định của công chúa nhà Trần. Tương truyền lúc bấy giờ chùa đã được xây dựng quy mô lớn. Sau bị đổ nát, dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng Bồ tát đã nhập cõi niết bàn. Xung quanh chùa hiện còn lưu lại dấu tích của hang tiền, hang gạo, giếng tiên và dấu hai bàn chân tiên trên đá.
Theo truyền tích, xa xưa có hai nàng tiên giáng trần xuống dãy núi chùa Am Vãi đánh cờ. Cảnh vật quyến rũ khiến hai nàng ngỡ đang ở trên trời mà quên không về nhà. Ngọc Hoàng tức giận sai Thiên Lôi dội sấm sét phá bàn cờ vỡ làm đôi.
Trong lúc hoảng hốt bay về trời, nàng tiên đạp mạnh vào phiến đá tạo thành dấu tích ngày nay. Phía trước chùa hiện còn tảng đá lớn như ngôi nhà ba gian, chồng xếp lên nhau. Có hòn đá bàn cờ rất phẳng, tục gọi là bàn cờ tiên. Lại có tảng đá rất lớn, mặt đá bằng phẳng nhưng lõm ở giữa giống như một vết chân khổng lồ. Nước thường lưu đọng lại đây. Dân gian vẫn gọi là vết chân Thần hay dấu bàn chân Phật trên đá.
Dấu bàn chân Phật trên đá. |
Chùa Kem, tên chữ là Sùng Nham tự toạ lạc dưới chân núi Nham Biền thuộc xã Nham Sơn (Yên Dũng). Phía sau ngôi chùa cổ kính này còn lưu giữ một khối đá lớn bằng phẳng, ở giữa có vệt trũng khổng lồ. Tương truyền xưa kia có mười một nàng tiên nữ thường ngày hay xuống núi Nham Biền ngắm cảnh và chơi cờ trên khối đá này. Một ngày kia, khi các nàng đang mải đánh cờ thì người dân hái củi phát hiện. Các nàng tiên vội bay về trời vô tình đạp mạnh xuống tảng đá thành vết lõm lớn giống bàn chân. Nước trong núi theo mạch đọng lại không bao giờ cạn nên đời sau vẫn gọi đó là giếng tiên.
Theo các nhà nghiên cứu, câu chuyện về các nàng tiên xuống hạ giới đánh cờ và các dấu chân khổng lồ, dấu chân thần trên đá ở nhiều nơi là những biểu tượng văn hoá, cho thấy các vị thần thánh đã hằn sâu vào ký ức dân gian. Các biểu tượng văn hoá và những câu chuyện huyền tích trên không ngoài ý nghĩa tôn vinh công đức của Phật Thích Ca. Hình tượng dấu chân khổng lồ trên đá đi vào huyền thoại như một phép màu nhiệm trong đạo Phật. Những huyền tích này phản ánh về buổi sơ khai của Phật giáo ở Việt Nam. Các nhà truyền giáo Ấn Độ đã mang trong hành trang của mình bàn chân đức Phật - một biểu tượng tâm linh Phật giáo khi vào Việt Nam, trong đó có vùng đất Bắc Giang.
Quốc Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)