Huy động lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phê bình một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc, có biểu hiện xem nhẹ, lơ là công tác phòng, chống dịch để dịch bệnh lan rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vứt xác lợn bừa bãi, thiếu trách nhiệm trong xử lý, chôn hủy lợn, đồng thời chấn chỉnh lại hiện tượng lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.
Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu: “Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải có biện pháp hữu hiệu dập dịch để ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp người dân cần tập trung hơn nữa vào công tác phòng, chống dịch, góp phần ổn định kinh tế và ổn định ngành chăn nuôi. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan đến chăn nuôi, thú y và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ… Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc đẩy nhanh, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch; siết chặt, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc.
Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Quyết định mới phù hợp tình hình hiện nay để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh DTLCP. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện huy động lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch. Bố trí kinh phí cho các địa phương phòng, chống dịch hiệu quả.
Ngay sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh DTLCP kết thúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai, chấn chỉnh và siết chặt công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, nhiều ý kiến của thành viên BCĐ tỉnh, các sở, UBND các huyện, TP nêu những khó khăn trong phòng, chống dịch mà các địa phương đang gặp phải như: Nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu hóa chất khử trùng, không thuê được nhân công chôn hủy lợn...
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin, tại địa bàn Lạng Giang có tình trạng đêm đến xe chở xác lợn đến vứt dọc nhiều tuyến đường, kênh mương của địa phương. Huyện đang bố trí lực lượng phục, bắt quả tang.
Ngoài ra, các ý kiến đều đề nghị UBND tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí dập dịch và chi trả cho người dân có lợn bị tiêu hủy…
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái yêu cầu các địa phương cần rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo và thực hiện phòng, chống dịch bệnh vừa qua.
Các huyện cần bình tĩnh, chủ động, tránh lúng túng, tập trung biện pháp đồng bộ, quyết liệt, tuyệt đối không lơ là chủ quan, buông lỏng.
Có một số địa phương buông lỏng, thiếu trách nhiệm, đây là trách nhiệm người đứng đầu. Tham mưu của cơ quan chuyên môn chưa sát sao kịp thời dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong thống kê, giám sát tiêu hủy lợn như vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang phát biểu tại hội nghị. |
Trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai nhiệm vụ của T.Ư chỉ đạo. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và các trang trại cả về phòng, chống dịch và cơ chế hỗ trợ, trong đó ưu tiên hộ nhỏ lẻ, các trang trại phải nâng cao ý thức phòng dịch.
Các huyện, TP triển khai đồng bộ đợt cao điểm phòng, chống dịch từ nay đến hết tháng 5. Quan tâm triển khai công tác phòng dịch cho các trang trại, đặc biệt là các trang trại nuôi lợn giống ông bà bởi khi hết dịch sẽ phục hồi chăn nuôi nhanh.
Khắc phục triệt để tình trạng người dân có lợn chết báo không thấy chính quyền xuống xác minh, hỗ trợ; lợn chết trôi trên kênh, sông ở địa phương nào, địa phương đó có biện pháp xử lý.
Bố trí kinh phí cho các xã, ưu tiên cho lực lượng phòng, chống dịch, chôn hủy lợn và lực lượng chốt chặn kiểm dịch, thú y, dân quân tự vệ. Về việc hỗ trợ các hộ có lợn buộc phải tiêu hủy: Cấp huyện chi hỗ trợ 50%, tỉnh 50% tổng số kinh phí.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch. Xử lý kịp thời khi có lợn ốm, chết và lợn vứt ra ngoài môi trường, xác lợn ở địa phương nào thì địa phương đó phải xử lý. Nếu báo chí phát hiện lợn chết trên kênh, người dân báo cáo lợn chết không được tiêu hủy thì chủ tịch UBND các huyện đó chịu trách nhiệm.
Đối với huyện giáp ranh cần có cơ chế phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, các công ty quản lý công trình thủy lợi, kiểm tra kênh mương báo cáo với địa phương, để chính quyền địa phương vớt xác động vật tiêu hủy theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động hơn nữa tham mưu kiểm tra công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Sở Tài chính điều chỉnh các văn bản hướng dẫn, giao việc xác minh, lập hồ sơ số lượng lợn chết tại các hộ nuôi dưới 100 con cho UBND cấp huyện xử lý.
Các sở, ngành: Công an tỉnh, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y… căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra các chốt chặn; xử lý hành chính, hình sự các vi phạm, phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh. Các đoàn công tác của BCĐ tỉnh tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương chống dịch hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)