Hướng tới xây dựng thành phố xanh
Thiếu đồng bộ
Theo thống kê, trên các tuyến nội thành của TP hiện có hơn 5,3 nghìn cây xanh bóng mát với hơn 50 chủng loại. Cùng đó là hơn 685 nghìn m2 cây xanh tại các công viên, khuôn viên, dải phân cách, đảo giao thông bao gồm cây tạo tán, tạo cảnh. Ngoài ra còn có hàng nghìn cây xanh do người dân tự trồng trên vỉa hè, tuyến đường, khu dân cư. Hiện mật độ cây xanh tại khu vực nội thành đạt khoảng 12,5 m2/người.
Cây xanh trên đường Trần Nguyên Hãn. |
Tuy nhiên, hệ thống cây xanh đường phố chưa tương xứng với cảnh quan và tốc độ đô thị hóa. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP, hiện TP chưa có quy hoạch tổng thể về cây xanh cho đô thị. Tại các tuyến phố cũ, cây xanh chủ yếu do người dân tự trồng nên lộn xộn với nhiều loại cây trên một tuyến đường, vị trí, khoảng cách chưa hợp lý, không bảo đảm mỹ quan, nhiều loại không phù hợp.
Tại một số khu dân cư, tuyến phố mới do TP phố chậm triển khai trồng cây nên cũng có tình trạng trên. Hiện cây bóng mát có diện tích tán che rất thấp, chủ yếu là cây mới trồng, cây loại nhỏ và phân bố không đồng đều.
Việc chọn chủng loại cây xanh để trồng chưa phù hợp với hạ tầng và hè đường phố. Ví dụ trồng đại mộc (cao trên 20 – 25 m) ở vỉa hè hẹp và có đường dây điện trên không như tại tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Văn Cừ. Một số cây ở đường Nguyễn Thị Lưu đã già cỗi, cong queo, sâu mục và thường trực nguy cơ gãy đổ.
Tại nhiều tuyến phố có một số cây không phù hợp như cây dướng, trứng cá có lá và hoa rụng sớm, thu hút nhiều ruồi muỗi hoặc mùi nồng dễ gây dị ứng, cây cau không có tán; một số loại cây ăn quả như mít, roi, trứng gà, vú sữa... tán thấp che khuất tầm nhìn và biển báo, đèn tín hiệu giao thông.
Ông Nguyễn Văn Ngân, tổ dân phố 7A, phường Trần Nguyên Hãn cho rằng: Tại đường Trần Nguyên Hãn có quá nhiều loại cây xanh, trong đó có các loại cây không phù hợp với đường phố như cây bàng hay rụng lá, nhiều sâu to, rễ nông, thân rỗng; cây đa, xà cừ rễ mọc chùm, ăn ngang phá hỏng vỉa hè.
Tạo nét đặc trưng cho TP
Để xây dựng TP Bắc Giang xanh - sạch - đẹp, việc cải tạo, phát triển và quản lý đồng bộ hệ thống cây xanh đô thị nói chung và cây xanh đường phố nói riêng là nhiệm vụ cần thiết. Trao đổi với đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP, được biết UBND TP đang xây dựng đề án cải tạo, quản lý và phát triển cây xanh đô thị nhằm mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm TP đạt các chỉ tiêu về cây xanh đô thị loại 1 theo quy định 15m2/người.
Trong đó thay thế toàn bộ cây xanh có nguy cơ gãy đổ, thân cong vẹo không đúng chủng loại trên đường phố bằng các loại cây xanh đô thị nhằm bảo đảm mỹ quan; xây dựng các điểm nhấn đô thị về cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ, tạo thêm các mảng xanh trong khu dân cư.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên tắc lựa chọn cây xanh phải hài hòa, phù hợp với hình thức, chức năng công trình kiến trúc xung quanh và điều kiện hạ tầng. Trong đó cây có tán rộng nên trồng trên vỉa hè rộng và cây thon hẹp, chiều cao vừa phải tại vỉa hè nhỏ. Ưu tiên cây xanh có tán đẹp lá xanh quanh năm, rễ cọc mọc chìm, không dễ gãy đổ, nhất là có khả năng hấp thụ khí độc, ngăn bụi, ngăn ồn cao để phát triển trong môi trường đô thị. |
Theo ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang, đơn vị có trách nhiệm trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh trên địa bàn, việc trồng thay thế cây xanh cho các tuyến phố hiện hữu phải bảo đảm nguyên tắc tránh thay đổi đột ngột với cây trồng đã có hơn 10 năm, thay thế từng bước, cây thay lần trước phải có bóng mát mới chặt hạ đợt cây tiếp theo.
Chú trọng trồng thống nhất một loại cây trên một tuyến phố để tạo nét đặc trưng; trồng các loại cây có hoa như phượng vĩ, bằng lăng, vàng anh và osaka để tạo điểm nhấn cho đô thị.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn lựa loại cây xanh đô thị cũng cần phù hợp với hạ tầng lưới điện hay địa hình cao hoặc thấp trũng, có khoảng cách hợp lý với hệ thống cống thoát nước ngầm, bảo đảm không gây ảnh hưởng tầm nhìn, không che khuất biển báo hay đèn tín hiệu giao thông.
Đơn cử như tuyến đường Hùng Vương hiện trồng đồng loạt cây sao đen có chiều cao tối đa 25-30m là phù hợp bởi các khu vực này cơ bản đã ngầm hóa dây diện và dây viễn thông, không bị ảnh hưởng khi cây sinh trưởng, phát triển.
Một điều quan trọng là đơn vị chức năng cần thường xuyên rà soát, nắm bắt hiện trạng cây xanh tại các tuyến đường, khu dân cư và có kế hoạch trồng bổ sung hay thay thế cây và xén tỉa, tạo tán hợp lý bảo đảm an toàn, tránh gãy đổ khi mưa bão.
Cùng với tăng trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan chuyên môn trong việc cải tạo quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tham gia phát triển, bảo vệ, chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn.
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)