Hồng Giang giàu lên nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
Người dân xã Hồng Giang chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Bảo Lâm. |
Mới đây, tôi có dịp đi với đoàn cán bộ nước bạn Lào đến thăm xã Hồng Giang. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe bạn hỏi về quy trình sản xuất vải thiều VietGAP, chị chủ nhà trình bày rành rẽ kỹ thuật từ chọn giống, trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản vải thiều. Chị chủ nhà cho biết: Ở Hồng Giang gần như 100% hộ dân thành thạo áp dụng quy trình VietGAP và GlobalGAP. Nhờ biết ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, giá trị quả vải, nhãn, bưởi ở Hồng Giang cao gấp hai, ba lần nơi khác. Vụ vải năm nay, giá một cân vải thiều sạch ở Hồng Giang có lúc lên tới 65.000-70.000 đồng/kg trong khi vải thiều thường chỉ 20.000-25.000đồng/kg.
Nghe chị nói về ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, tôi thực sự thán phục. Vì thời gian tiếp xúc của đoàn bạn có hạn, tôi không thể tìm hiểu cặn kẽ, trong đầu nảy ra ý định sẽ trở lại Hồng Giang để hiểu rõ hơn việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất vải thiều và những cây ăn quả khác của nông dân nơi đây. Do nghề nghiệp, tôi đã đến nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, việc hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thực sự khó khăn. Dù tuyên truyền, tập huấn đến từng hộ nhưng kết quả không được như ý. Hộ nông dân sản xuất cá thể, quen nếp làm ăn manh mún, tùy hứng, tiếp thu khoa học công nghệ không đến nơi đến chốn, áp dụng vào sản xuất lại tùy tiện, hiệu quả không cao, bà con sinh chán nản, ngại khó, quay về nếp sản xuất cũ.
Hồng Giang là xã miền núi, có diện tích đất trống đồi trọc hàng trăm hecta. Toàn xã có 3.265 hộ, trong đó 27% là dân tộc thiểu số. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Hồng Giang cũng như các xã khác của huyện Lục Ngạn đã có phong trào trồng vải thiều, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nhưng do làm theo phong trào tự phát, chưa làm chủ kỹ thuật nên năm được, năm mất mùa. Năm được mùa thì vải thu hoạch trong thời gian ngắn, thị trường chưa ổn định nên thường rớt giá. Lác đác đã có hộ chặt vải thiều. Nhận thức rõ cây vải thiều vẫn là cây “xóa đói giảm nghèo”, Đảng bộ, chính quyền xã vừa động viên nông dân không chặt vải vừa tranh thủ sự hỗ trợ của huyện và Viện Cây ăn quả, Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) để xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý cây vải thiều kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị quả vải.
Được hướng dẫn quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, Đảng ủy, UBND xã chọn một số gia đình có trình độ, kinh nghiệm canh tác triển khai với diện tích 20 ha. Qua 3 vụ làm điểm thành công, vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP cho sai quả, màu sắc đẹp, chất lượng ngon, an toàn, thương lái Trung Quốc vào tận vườn mua với giá cao. Những năm tiếp theo, Đảng ủy xã yêu cầu đảng viên ở từng chi bộ gương mẫu áp dụng quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Từng chi bộ đảng viên phải giỏi ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP để tuyên truyền vận động các hộ nông dân làm theo. Hàng trăm ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã hình thành từ đó.
Một góc xã nông thôn mới Hồng Giang (Lục Ngạn). Ảnh: PV. |
Vốn là xã sản xuất nông nghiệp, Hồng Giang có tổng diện tích canh tác 884 ha, trong đó đất lúa là 442ha. Ruộng cấy lúa ở Hồng Giang nằm xen kẽ dưới chân đồi núi đất bạc màu phần lớn trông vào nước trời, cấy không chắc ăn. Trong khi đó đất trồng cây ăn quả lại thiếu. Nông dân muốn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhưng chính sách đất đai không cho phép. Đến năm 2014-2015, Hồng Giang triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoài việc thực hiện 19 tiêu chí chung, tỉnh cho phép Hồng Giang xây dựng đề án NTM đặc thù vùng cây ăn quả. Những chân ruộng cao cấy không chắc ăn, tỉnh cho phép chuyển sang trồng cây ăn quả. Đầu năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 01/CP cho phép chuyển đất lúa sang trồng cây, chăn nuôi nhưng không được làm biến dạng đất. Chủ trương, chính sách mới của Đảng, Chính phủ làm nức lòng bà con nông dân Hồng Giang. Đề án xây dựng NTM đặc thù vùng cây ăn quả ở Hồng Giang được phát huy. Cho đến nay, Hồng Giang đã có 570 ha vải thiều, 274 ha cam bưởi, 20 ha nhãn. Các giống cây ăn quả ở Hồng Giang đều được tuyển chọn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tiểu vùng.
Theo ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, toàn xã bây giờ không có một mét đất hoang. Nếu thời tiết bình thường, hằng năm, xã thu hoạch trên 10.000 tấn quả các loại, bình quân 1 ha thu 345 triệu đồng/ năm. Cho đến nay, 100% vườn, trang trại trồng cây ăn quả của xã đều được chọn cây giống tốt, cho năng suất cao. Ở Hồng Giang có hàng trăm hộ nông dân giỏi kỹ thuật chiết ghép, tỉa đốn cành sau thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật cho vải ra quả từ thân cây và rải vụ vải thiều. Không chỉ trồng vải thiều theo quy trình VietGAP, nông dân Hồng Giang còn ứng dụng quy trình GlobalGAP theo tiêu chuẩn sản xuất quả của Mỹ. Nhờ đó, vải thiều của Hồng Giang đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan... Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,8%. Toàn xã có 668 nhà vườn hiện đại, đủ tiêu chuẩn làm du lịch.
Với cụm di tích lịch sử cấp quốc gia đền Từ Hả và hệ sinh thái vùng cây ăn quả cùng hơn 668 trang trại, nhà vườn, Hồng Giang sẽ trở thành khu du lịch sinh thái tâm linh trong thời gian không xa. Đây thực sự là mô hình NTM mang đặc trưng miền núi, dân tộc của tỉnh Bắc Giang.
Hoàng Tiến
Ý kiến bạn đọc (0)