Hồng Giang bạt ngàn cây trái
Biệt thự nhà vườn của gia đình bà Giáp Thị Là, thôn Kép 1 thu hút nhiều khách du lịch. |
Cây ăn quả thế chân lúa
Sau gần hai năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Hồng Giang không chỉ hoàn thành 19 tiêu chí chung mà còn đạt thêm một số tiêu chí đặc trưng khác. Trong đó, nổi bật là xã xây dựng thành công vùng chuyên canh cây ăn quả thay thế lúa. Chạy xe một vòng trên những con đường bê tông phẳng lì dẫn tới các thôn Kép 1, Kép 2B, Hiệp Tân, Dinh… đâu đâu chúng tôi cũng thấy ngút ngàn cây trái, chủ lực vẫn là vải thiều, tiếp đến là cam ngọt, bưởi Diễn quả vàng óng, tạo nét đẹp riêng cho làng quê.
Trước năm 2015, xã còn hơn 100 ha đất cấy lúa, chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, năng suất thấp. Hai năm qua, các hộ dân đã chuyển toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây trồng này toàn xã lên hơn 800 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Hồng Giang trở thành xã duy nhất của huyện và của tỉnh không còn diện tích đất lúa, thay vào đó chỉ chuyên canh cây ăn quả.
Hồng Giang là xã vùng thấp của huyện Lục Ngạn, có vị trí địa lý thuận lợi để lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản bởi có tuyến quốc lộ 31 và tỉnh lộ 290 đi qua. Xã còn có diện tích đất vườn đồi, đất nông nghiệp rộng, khá màu mỡ. Với những lợi thế riêng này, Hồng Giang được tỉnh chỉ đạo xây dựng nông thôn mới mang đặc trưng vùng cây ăn quả. |
Đi đầu trong phong trào là thôn Kép 1. Theo ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Chi bộ, hiện thôn có 100 ha chuyên canh cây ăn quả các loại. Gần một nửa số hộ thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Ông Nguyễn Xuân Đáng, người dân trong thôn nói: “Sau khi chuyển đổi đất lúa sang trồng cam, vải thiều an toàn, bưởi, mỗi năm gia đình tôi doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa trước đây. Tôi đã xây dựng được biệt thự nhà vườn ba tầng rộng hàng trăm m2, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại”.
Nhiều nông dân khác cũng trở thành tỷ phú nhờ mạnh dạn dồn đổi ruộng sang trồng cam, bưởi các loại. Một số hộ liên kết thành lập hợp tác xã chuyên canh trồng vải thiều xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: “Nhờ làm tốt việc chuyển đổi ruộng sang chuyên canh cây ăn quả, mỗi năm người dân thu về hơn 200 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với cấy lúa. Hơn 30% số hộ trong xã có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, số hộ thu vài tỷ đồng mỗi năm không hiếm; thu nhập bình quân đầu người nâng lên 35 triệu đồng/năm, vượt hàng chục triệu đồng so với mốc chuẩn và nằm trong tốp cao của huyện.
Gắn du lịch sinh thái với văn hóa tâm linh
Không chỉ phát triển cây ăn quả, điểm nhấn đặc thù ở Hồng Giang là giữa những vườn cây ăn quả xanh mát, hơn 90% hộ dân có nhà kiên cố đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, trong đó nhiều biệt thự nhà vườn hiện đại 2-3 tầng rộng hàng trăm m2. Bên cạnh đó, khu di tích đền Hả thu hút hàng nghìn lượt du khách khắp nơi trong cả nước mỗi năm. Khai thác lợi thế này, xã đã chỉ đạo các thôn: Kép 2B, Bãi Bông, Kép 1, Hiệp Tân, nơi có nhiều biệt thự nhà vườn chỉnh trang nhà ở để phát triển du lịch sinh thái vườn đồi kết hợp với văn hóa tâm linh.
Từ trồng cây ăn quả, gia đình ông Nguyễn Xuân Đáng, thôn Kép 1 mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng. |
Thực tế cho thấy, một số gia đình đã bố trí các phòng ở riêng biệt, xây dựng bể bơi thu hút khách tham quan, ở lại nhiều ngày như gia đình bà Giáp Thị Là; ông Giáp Văn Lịch, thôn Kép 1... Hoạt động này vừa quảng bá được sản phẩm, vừa tăng thêm nguồn thu cho hộ dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với xã hướng dẫn các hộ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng vườn, trang trại đẹp để phát triển du lịch sinh thái. Hộ xây mới nhà thì định hướng làm nhà vườn, cổng có mái che sơn màu xanh. Hai bên đường giao thông dẫn vào thôn đang được trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp, thu hút du khách. Được biết, để hoàn thành 19 tiêu chí chung và các tiêu chí đặc thù, kể từ khi bắt tay thực hiện Đề án NTM, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, theo từng tiêu chí, ưu tiên dễ làm trước, khó làm sau.
Hai năm qua, xã đầu tư 17 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 4 tỷ đồng. Nhiều hộ tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, dỡ tường rào để xây dựng công trình. Nhờ đó, bức tranh làng quê nơi đây được tô điểm những gam màu sáng, cơ bản đường giao thông, công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa được cứng hóa, xây mới rộng rãi, khang trang. Điện thắp sáng từng nhà và đường làng. Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận chuẩn NTM trong tháng 12 này.
Hải Minh
Ý kiến bạn đọc (0)