Hơn 20 năm miệt mài làm cộng tác viên dân số
Chị Phạm Thị Hường ở thôn Kép 11 được bà Mạnh quan tâm, vận động để không sinh con thứ 3 kể: "Trong suy nghĩ của nhiều gia đình, tư tưởng "trọng nam" vẫn hằn sâu trong tâm thức, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Biết vợ chồng tôi có ý định sinh thêm khi có con một bề là gái, bà Mạnh đã nhiều lần đến động viên suy nghĩ lại.
Bà Đặng Thị Mạnh (áo trắng) tuyên truyền chính sách dân số đến các gia đình trong thôn. |
Hiểu được sự quan tâm đó và ý thức về những hệ lụy khi sinh con thứ 3, tôi đã thuyết phục chồng không sinh thêm. Gia đình tôi hiện giờ kinh tế khá hơn, hai con được học hành và chăm lo đầy đủ".
Chị Hường là một trong nhiều cặp vợ chồng của thôn Kép 11 sinh con một bề, được bà Mạnh vận động không sinh con thứ 3. Hiện thôn có 178 hộ với gần 600 nhân khẩu. Địa bàn rộng, hơn 80% người dân trong thôn làm nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Xác định việc thực hiện tốt chính sách dân số, KHHGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe người dân, gia đình có thêm điều kiện chăm sóc con cái, bà Mạnh đã tham mưu với cấp trên phối hợp với các ngành, đoàn thể thôn có nhiều biện pháp để làm tốt công tác này.
Thôn đã nhiều năm liền duy trì hiệu quả CLB không sinh con thứ 3 với gần chục cặp vợ chồng sinh con một bề là gái; 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; chất lượng dân số được nâng lên đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Hiện thôn chỉ còn 4 hộ nghèo.
Để làm tốt công việc của mình, bà Mạnh thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức về dân số qua sách, báo và các phương tiện truyền thông khác. Sâu sát nắm địa bàn, bà nhiều lần đến từng hộ tuyên truyền, vận động họ áp dụng các biện pháp tránh thai. Không phải gia đình nào cũng đồng thuận, nhất trí ngay từ lần vận động đầu tiên.
Trong nhiều cuộc họp của thôn liên quan đến công tác dân số, bà Mạnh cũng bị một số người có “tiếng bấc, tiếng chì”, bảo đó là việc riêng của gia đình họ, không thích người ngoài can thiệp. Có trường hợp, sau khi vận động thành công cả 2 vợ chồng đồng ý đình sản, bà Mạnh còn thu xếp công việc, dành thời gian đi cùng 3 ngày để hỗ trợ họ.
"Trong quá trình tuyên truyền tại các gia đình, tôi còn lồng ghép phổ biến kiến thức nuôi dạy, bảo vệ trẻ em; chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên, người già. Mỗi khi tuyên truyền thành công là niềm vui nhân đôi, đó là động lực để tôi gắn bó với công việc"- bà chia sẻ.
Ông Đỗ Tất Nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang cho biết: “Những nỗ lực, cố gắng của bà Mạnh đã góp phần chuyển biến về nhận thức cho nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về chính sách dân số- KHHGĐ. Năm 2021, bà Mạnh là cộng tác viên y tế- dân số duy nhất của huyện Lạng Giang vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen”.
Thanh Nga
Ý kiến bạn đọc (0)