Hội thảo về phát triển mô hình hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi giá trị
BẮC GIANG - Ngày 19/7, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT), Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển mô hình HTX chăn nuôi gia súc trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo tiền đề phát triển thành các mô hình chăn nuôi tập trung, theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Các đồng chí: Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT; Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đồng chủ trì hội thảo.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Tại đây, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu; đại biểu một số sở, ngành, UBND cấp huyện; đại diện các HTX chăn nuôi trong tỉnh đã trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, giải pháp phát triển mô hình HTX chăn nuôi gia súc trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Nhiều đại biểu cho rằng, chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, manh mún diễn ra phổ biến, nhất là tại địa bàn miền núi, vùng DTTS trong tỉnh. Vì thế, việc vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất thành lập HTX chăn nuôi tập trung, theo chuỗi giá trị là điều cần thiết.
|
Đại biểu Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) trao đổi tại hội thảo. |
Quá trình thực hiện cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, lợi ích của việc liên kết sản xuất; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, sản xuất, lập phương án kinh doanh cho HTX; xây dựng chính sách cụ thể, sát thực tiễn.
Bàn về giải pháp xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm gia súc, các đại biểu cho rằng, một sản phẩm có thương hiệu sẽ có cơ hội tiếp cận, trụ vững trên thị trường. Để làm được điều này, quy trình chăn nuôi phải đáp ứng điều kiện về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm, khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào…
Quy trình chung giúp định danh sản phẩm trong tư duy tiêu dùng của khách hàng gồm các bước sau: Nghiên cứu thị trường; xây dựng chiến lược thương hiệu; nhận diện thương hiệu; xây dựng phong cách; làm cho khách hàng biết, ghi nhớ và sử dụng sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Phát triển mô hình HTX chăn nuôi gia súc trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS, tạo tiền đề phát triển thành các mô hình chăn nuôi tập trung, phát triển theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Được biết, UBND tỉnh giao Liên minh HTX tỉnh xây dựng Đề án này, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Đề án, các đại biểu cho rằng, tổ soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh tên Đề án sao cho ngắn gọn; cân đối nội dung giữa các phần; thể hiện rõ mục tiêu của Đề án để tăng tính thuyết phục; bổ sung căn cứ pháp lý thực hiện; xác định rõ phạm vi triển khai, nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng (trong đó tập trung hỗ trợ đào tạo nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật); hướng dẫn quy trình, thủ tục tham gia hoặc thụ hưởng chính sách…
Kết luận hội thảo, các đồng chí chủ trì ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến trao đổi của đại biểu, đó là một trong các yếu tố để hoàn thiện cơ chế, chính sách; góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, theo chuỗi giá trị trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)