Hội thảo không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang: Làm rõ giá trị, hiến kế để phát triển
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam; GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông; PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTDL chủ tọa và điều hành hội thảo.
Các đại biểu chủ tọa và điều hành hội thảo. |
Tham dự hội thảo có gần 300 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, tăng, ni đến từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện, TP…
Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh khái quát: Bắc Giang là vùng đất thuộc miền thượng của trấn Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, là một trong những địa phương mang trong mình nhiều dấu tích, di sản và sự hiện diện sinh động nhất của Phật giáo truyền thống và đương đại Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 940 ngôi chùa, tự viện Phật giáo phân bố ở hầu khắp 10 huyện, TP. Các cơ sở tự viện Phật giáo chủ yếu thuộc hai dòng Phật giáo tiêu biểu, có sự ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Việt Nam, là Phật giáo Lâm Tế và Phật giáo Trúc Lâm.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn đóng góp những nhận thức, đánh giá hệ thống và toàn diện, bao gồm cả những phát hiện khoa học mới về Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử). Hội thảo được kỳ vọng làm sáng tỏ, lan tỏa những giá trị mang tính di sản và đương đại của Phật giáo Bắc Giang, nhận diện và đưa ra những giải pháp đối với tiềm năng, cơ hội, thách thức để những giá trị này có thể được bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực cho sự phát triển nhân văn, hài hòa, bền vững của địa phương.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh: Tỉnh Bắc Giang xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực cao trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo: Xuất bản nhiều cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu, tuyên truyền; tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học.
Đặc biệt, Đề án phục dựng “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” đang được đầu tư nghiên cứu, triển khai với các hoạt động cụ thể nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên Tây Yên Tử gắn với dấu tích chùa, tháp liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử để xây dựng thành sản phẩm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng chí Mai Sơn và các đại biểu tham quan gian trưng bày sách về Phật giáo Trúc Lâm. |
Tuy nhiên, nguồn thông tin, tư liệu liên quan đến Phật giáo và văn hóa Phật giáo Bắc Giang qua các thời kỳ lịch sử còn ít, chưa mang tính hệ thống; những công trình, tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Phật giáo Bắc Giang còn khiêm tốn, nhất là những công trình nghiên cứu về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; việc đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo gắn với phát triển du lịch còn hạn chế…
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh mong muốn tại hội thảo được lắng nghe, tiếp thu ý kiến quý báu của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; đồng thời, sau hội thảo, mỗi đại biểu sẽ trở thành một sứ giả giúp tỉnh Bắc Giang quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, thu hút ngày càng đông đảo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… chung tay nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Bắc Giang nói chung, di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang nói riêng, gắn với phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nâng tầm nhận thức về Phật giáo Trúc Lâm
Hội thảo nhận được tổng số 110 tham luận với sự tham gia của 128 học giả thuộc nhiều lĩnh vực đến từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trên cả 3 miền đất nước. Ban tổ chức chọn 74 tham luận tiêu biểu nhất để đăng toàn văn trong kỷ yếu.
Có hơn 20 ý kiến tham luận, phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung chủ đạo, gồm: Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang, bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tham luận tại hội thảo. |
Trong đó, các đại biểu đề cập, phân tích sự du nhập, phát triển, ảnh hưởng, lan tỏa của Phật giáo tại Bắc Giang đối với Phật giáo cả nước; nhận diện, đánh giá, làm rõ vai trò của Phật giáo với các vấn đề đời sống con người đương đại tại địa phương. Từ đó, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị di sản Phật giáo đối với phát triển văn hóa, KT-XH, trong đó có phát triển du lịch bền vững.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), không gian văn hóa khu di tích danh thắng Tây Yên Tử chứa đựng những tiềm năng lớn về phát triển du lịch tâm linh nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Đây cũng là quần thể di tích và danh thắng duy nhất trên cả nước đáp ứng hầu hết các tiêu chí của một di sản vật thể, phi vật thể và di sản danh thắng có ảnh hưởng lớn trong tâm thức dân gian.
Vì vậy muốn khai thác tốt những tiềm năng văn hóa tộc người, văn hóa tâm linh, sinh thái, tự nhiên của vùng Tây Yên Tử vào phát triển các hoạt động du lịch, các địa phương cần phải xây dựng chương trình quy hoạch du lịch cụ thể, lâu dài, bền vững. Điều này góp phần khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử, văn hóa, tự nhiên của Yên Tử, tạo dựng những đặc trưng riêng cho không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử.
GS. TS Vũ Minh Giang cho rằng, điểm nổi bật, mới nhất của hội thảo này là nâng tầm nhận thức khoa học về Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Trúc Lâm. Đó là những vấn đề lớn về triết lý nhân sinh gắn với văn hóa, lịch sử dân tộc. Hiện nay, cơ quan chức năng đang trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới. Bởi vậy cần phải nâng tầm nhận thức về Phật giáo Trúc Lâm lên một tầm cao mới. Nhận thức phải đi kèm với hành động, phải biến những di sản ấy thành tài nguyên văn hóa để khai thác những giá trị tốt đẹp.
Các đại biểu trải nghiệm in mộc bản. |
Qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hóa, tạo sức lan tỏa về giá trị của di sản không những riêng với tỉnh Bắc Giang mà còn đối với nhiều địa phương trong cả nước, đồng thời thu hút phát triển du lịch. Đặc biệt, hội thảo là cơ sở khoa học để tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn nữa về mối liên kết 3 nhà gồm: “Nhà quản lý”, “nhà khoa học” và “nhà đầu tư”. Theo GS.TS Vũ Minh Giang, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của nhà nước để khai thác tài nguyên văn hóa thì sẽ không bao giờ thành công.
Phát biểu tổng kết, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh đánh giá hội thảo diễn ra sôi nổi, nội dung đa dạng với nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ lĩnh vực quản lý, quản trị, kinh doanh đến nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tôn giáo… trên tinh thần cởi mở, chân thành, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra. Các tham luận đã đưa ra những nhận định về giá trị của các di tích, văn hóa Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu trực tiếp của các đại biểu tại hội thảo và những tham luận trong kỷ yếu, các chuyên gia, nhà khoa học mong muốn các cấp, ngành có liên quan của tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, xem xét để vận dụng vào thực tiễn, góp phần bảo tồn giá trị không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử, thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày một phát triển.
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc (0)