Hội thảo khoa học xây dựng và phát triển đô thị xanh trên địa bàn huyện Lạng Giang
Các đại biểu dự hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Thân Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, việc xây dựng đô thị xanh là nhiệm vụ mới và khó, vì vậy mong muốn các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm để huyện xây dựng được đô thị xanh, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng đô thị xanh cũng chính là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, qua đó quảng bá về văn hóa, con người huyện Lạng Giang.
Tuy nhiên, việc xây dựng huyện Lạng Giang thành đô thị xanh, sinh thái, hiện đại gặp nhiều khó khăn, thách thức như về nguồn lực hạn chế, hạ tầng chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước có nguy cơ gia tăng... Vì vậy, cần có các nội dung và giải pháp tổng thể để khắc phục những khó khăn, thách thức trên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn, mục tiêu và định hướng phát triển chung của huyện. Trong đó, các đại biểu đánh giá huyện Lạng Giang có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thuộc vùng trọng điểm kinh tế và hành lang động lực phát triển, liên kết vùng, không gian kinh tế của tỉnh; có đầy đủ loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt), là đầu mối giao thông của vùng, quốc gia, có vị trí chiến lược về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, huyện nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, tạo động lực phát triển, giao lưu kinh tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể cho việc phát triển đô thị xanh ở huyện Lạng Giang. TS Lê Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khuyến nghị, ngay từ khâu quy hoạch, huyện cần lồng ghép với việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo không gian mở cho đô thị.
Quy hoạch không gian đô thị phải bảo đảm nguyên tắc đi trước một bước, có tính chất dự báo, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước, bảo đảm các khu vực chức năng của đô thị thỏa mãn tiêu chí về chất lượng môi trường; đổi mới tư duy quy hoạch đô thị từ tư duy chinh phục thiên nhiên sang xu thế thích ứng với thiên nhiên.
TS.KTS Lương Tiến Dũng chia sẻ các giải pháp xây dựng đô thị xanh tại hội thảo. |
TS.KTS Lương Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Quy hoạch đô thị nông thôn (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đưa ra các giải pháp tổ chức không gian đô thị Lạng Giang gắn với hệ thống không gian xanh và kết cấu hạ tầng xanh. Trong đó, cần hình thành bộ khung không gian xanh với vành đai xanh sông Thương, các khu vực rừng, núi thuộc xã Hương Sơn.
Một số đại biểu đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp xanh trên địa bàn huyện Lạng Giang như lựa chọn thu hút đầu tư các dự án có chất lượng cao; xây dựng khu, cụm công nghiệp theo mô hình xanh. Định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch. Từ việc chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao cho đến việc sử dụng tuần hoàn năng lượng, nước, các doanh nghiệp cần phải chú trọng thiết kế nhà xưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cắt giảm sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thiết kế, tạo ra các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.
Để trở thành đô thị xanh, các đại biểu lưu ý đối với huyện Lạng Giang cần xây dựng, quản lý giữ gìn và phát huy giá trị các không gian xanh tự nhiên, không gian xanh bán tự nhiên; quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng phục vụ các loại không gian xanh nhân tạo; xác định các chỉ tiêu cơ bản như: Mật độ sử dụng các thửa đất, lô đất, tỷ lệ độ che phủ xanh để kiểm soát sự phát triển không gian xanh.
Đối với công tác lập quy hoạch xây dựng vùng, huyện Lạng Giang cần xác định rõ về quan điểm, mục tiêu hướng tới đô thị xanh. Xác định rõ cấu trúc xây dựng vùng huyện trong giai đoạn hiện nay phù hợp với cấu trúc đô thị Lạng Giang là đô thị xanh trong tương lai. Định hướng phát triển không gian gắn với hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, kết cấu hạ tầng phải đảm bảo dự báo phù hợp giữa tính chất, quy mô và đảm bảo các tiêu chí về tăng trưởng xanh, bền vững.
Đối với khu vực nông thôn cần xem xét xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch nhằm phát huy tối đa các lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Sau đóng góp của các đại biểu, đồng chí Thân Hải Nam tiếp thu các ý kiến để củng cố, hoàn thiện lý luận về quy hoạch đô thị xanh cho huyện Lạng Giang. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang tin tưởng việc quy hoạch xây dựng huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển đô thị hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)